Cơ hội và thách thức với vựa nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:44
Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải gấp rút tái cơ cấu một cách toàn diện trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.


Hằng năm, toàn vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước; sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực; đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, thủy sản chiếm 60% và trái cây chiếm 50% tổng xuất khẩu cả nước, thu ngoại tệ hằng năm khoảng 3 tỉ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL đã và đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải gấp rút tái cơ cấu một cách toàn diện trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật là nông nghiệp ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô (gạo, cá, tôm đông lạnh, trái cây tươi...), với giá trị gia tăng thấp. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn hay hợp đồng giao sau nên chúng ta xuất khẩu khối lượng lớn nhưng rất bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc. 

Đây là hậu quả của quá trình canh tác nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa được kết nối với khâu chế biến và tiêu thụ theo tín hiệu thị trường thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nông dân quyết định theo thói quen hay tâm lý đám đông, tự quyết định canh tác, sản xuất, doanh nghiệp có lợi mới mua, không có sự ràng buộc. 

Chính việc mất cân đối cung - cầu tạm thời trong thời điểm nhất định đã dẫn đến việc được mùa nhưng mất giá triền miên trong nhiều năm qua, nông dân luôn là người bị thua thiệt. Thành quả lao động cực nhọc của nông dân chưa được bù đắp xứng đáng.

Ngành cá tra vùng ĐBSCL chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô.

GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, nhận định: Dù phát triển và đạt thành tựu quan trọng nhưng nông sản vùng ĐBSCL khó tăng chất lượng sản phẩm, vì sản xuất không theo qui định an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông dân áp dụng kỹ thuật nuôi trồng theo kinh nghiệm, ít nghiêm túc tuân theo qui trình GAP, mẫu mã sản phẩm không đúng chuẩn GAP nên chất lượng nguyên liệu không đạt chuẩn an toàn. Thủy sản phát triển, nhưng không bền vững; chăn nuôi phát triển chậm… Sản xuất nông nghiệp không theo thị trường mà tự phát chỉ đem lại thiệt hại tiền của và công sức nông dân. 

Điều kiện cần cho sản xuất theo chuỗi giá trị để giành thị trường bền vững là xây dựng cụm nông nghiệp kỹ thuật cao với đầy đủ thiết bị hiện đại. Doanh nhân điều khiển cụm công nghiệp phải được đào tạo một cách cơ bản, có thực tâm vì nông nghiệp và nông dân, uy tín quốc gia, có trách nhiệm xã hội. Nông dân xã viên của hợp tác xã nông nghiệp hoặc trang trại lớn phải được đào tạo nhuần nhuyễn quy trình sản xuất kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP). Đặc biệt, nhà nước cần ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Giao cho ngân hàng thẩm tra, duyệt và giải ngân thay vì giao cho bộ, ngành phê duyệt như thời gian qua. 

Năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định Thương mại tự do và cam kết thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 1/1/2016. Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản. Từ 1/1/2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%...

Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, như: dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản; yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch...  Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra. 

Cơ hội to lớn đang mở ra là hợp tác sâu rộng giữa nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thành hai nền nông nghiệp “cộng sinh” với nhau. Việt Nam sẽ tiếp thu công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản để cung cấp rau quả, hoa tươi, cá ngừ, tôm sang thị trường Nhật Bản và cùng nhau xuất khẩu sang thị trường thứ ba. 

Những ví dụ thành công đầu tiên mở ra khả năng hiện thực to lớn cho hiện đại hóa nông nghiệp nước ta. Nếu như về trồng trọt, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều có cơ hội xuất khẩu nhất định thì ngô, đậu tương và mía đường sẽ khó có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà do hiệu quả kinh tế, năng suất và chất lượng các sản phẩm này đều kém xa so với các sản phẩm quốc tế. Việc tái cấu trúc các sản phẩm này là không thể tránh khỏi…

“Một lần nữa, nông nghiệp nước ta nói chung và nông nghiệp ĐBSCL lại đứng trước tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, không còn chỗ để lùi, phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng lớn; chuyển nông dân và ngư dân hoạt động theo truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, công nhân ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường. Vai trò của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này. Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành” – TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Đức Văn
.
.
.