Tìm đầu ra bền vững cho trái cây đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 26/08/2015, 08:17
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội đủ các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... để trồng cây ăn trái diện tích lớn, nhằm tạo nguồn nông sản tiêu dùng, xuất khẩu ổn định và nâng cao mức sống của người dân. Việc phát triển cây ăn trái là định hướng chiến lược hàng đầu của nhiều địa phương trong vùng hiện nay…

ĐBSCL có khoảng 288.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng mỗi năm gần 4 triệu tấn (chiếm 60% cả nước) phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, hiện nay giá trị trái cây XK chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng mà vùng ĐBSCL làm ra. Thời gian qua, đa phần nông dân trồng cây ăn trái vẫn còn nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Hiện ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây, như: ổi, sầu riêng, mận, chôm chôm, thanh long… nhưng giá cả thất thường.

Bưởi Năm Roi, một loại trái cây đặc sản của ĐBSCL được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Trương Văn Đời (ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) trồng hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, nhưng mấy tháng nay, giá thanh long cứ lên xuống thất thường. “Mỗi lần thương lái lại vườn là tôi lo lắng vì giá thanh long ruột đỏ lúc nào cũng dao động. Có lúc họ mua 60.000đ/kg, khi thì 40.000đ/kg, có lúc xuống chỉ còn 10.000-15.000đ/kg. Giá thanh long còn giảm nữa khi nhiều nơi đồng loạt vào thời điểm thu hoạch” – ông Đời cho biết.

Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) với mục tiêu hướng tới thị trường XK nhưng hiện nay chỉ bán được trong nước. Ông Trần Văn Tây, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) bưởi Năm Roi Mỹ Hoà, cho biết: “Vào tháng 10-2014, thị trường Nga hợp đồng 200 tấn bưởi/tháng với giá 26.000đ/kg, nhưng HTX đành từ chối vì không đủ số lượng để giao. Với hơn 26ha bưởi thì mỗi vụ chỉ cho vài chục tấn nên HTX không dám ký hợp đồng với đối tác, sợ không có hàng giao thì phải đền. HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hoà hình thành đã gần 9 năm nay nhưng luôn trong tình trạng thiếu vốn, trình độ xã viên còn yếu… Bưởi đạt chứng nhận GlobalGAP chỉ bán trong nước”.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, rau quả Việt Nam cần sớm tháo gỡ để phát triển bền vững. Đó là, việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương, chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP trong sản xuất rau quả còn thấp, rải rác, phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian. Sự liên kết sản xuất giữa nông dân và DN còn mong manh, dễ đổ vỡ.

DN phải thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro rất cao. DN chưa đầu tư cho vùng nguyên liệu. Chuỗi cung ứng còn qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá trị sản phẩm ở trang trại rất thấp, trong khi đó giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao, người nông dân không được hưởng lợi. Chuỗi giá trị chưa được cải thiện và kiểm soát để phân chia hợp lý lợi nhuận cho từng đối tượng trong chuỗi, giá trị gia tăng chưa cao. Nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi do việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, tăng diện tích ồ ạt, tự phát, khó kiểm soát, do biến đổi khí hậu…

Rau quả chủ yếu tiêu thụ tươi, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay còn quá cao (từ 25-30%) do việc canh tác trước thu hoạch của người dân còn lạm dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc đóng gói, vận chuyển của DN nhiều nơi còn quá thô sơ, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng và VSATTP, sản phẩm chế biến chưa nhiều.

Bên cạnh đó, tiến bộ kỹ thuật trong xử lý ra hoa được người dân áp dụng rất tốt, nhưng việc xử lý ra hoa nghịch vụ còn mang tính tự phát, dẫn đến được mùa mất giá, sản xuất thiếu định hướng. Nước ta có nhiều chủng loại quả rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến do công tác tiếp thị chưa đủ. Thông tin thị trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới…

Đặc biệt là ở mức độ nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường. Chính vì vậy việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng… Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Ở đây vai trò của “nhạc trưởng” có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất và điều tiết rải vụ…

Đức Văn – H.T.
.
.
.