Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam về Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Thứ Năm, 02/07/2020, 00:59
Ngày 1/7, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông. Tọa đàm do Bộ Công Thương và UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU.

Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là hai Hiệp định FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Khi có hiệu lực, EVFTA sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương.

Mẫu mực bởi đây là thực thể kinh tế gồm 27 quốc gia có trình độ về kinh tế và quản trị quốc gia ở mức tiên tiến, hàng đầu thế giới ký kết Hiệp định thương mại với thực thể là một nền kinh tế đang phát triển và ở trình độ thấp hơn nhiều. Các nội dung thỏa thuận dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích chung của cả hai bên cân bằng. Hiệp định không chỉ đề cập đến các nội dung trong Hiệp định thương mại truyền thống mà còn lĩnh vực mới và phi truyền thống.

Với nội dung toàn diện và tác động lớn trong các cam kết của Hiệp định, Việt Nam phải thực hiện nhiều cải cách cả về pháp luật cũng như thể chế. 

Đặc biệt, những cam kết của Việt Nam trong sửa đổi luật pháp trong sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như thương mại điện tử chính là cú hích tạo môi trường mới cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trở thành chủ đề thật sự của quá trình hội nhập.

Từ đó, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, môi trường không chỉ trong đầu tư kinh doanh mà còn quản trị xã hội ngày càng văn minh và hiện đại.

Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu năm 2019 khoảng 2.197 tỷ USD, trong khi đó thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực này còn khiêm tốn chiếm khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Nguyễn Cảnh
.
.
.