EVFTA có giải được bài toán việc làm hậu COVID-19?

Thứ Năm, 25/06/2020, 09:08
Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.


Đặc biệt, trong bối cảnh sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19, hiệp định này được hy vọng sẽ là “cứu cánh” cho thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ "song hành" cùng khó khăn và thách thức.

Nhiều kỳ vọng nhưng đừng quá lạc quan

Ở góc độ lợi ích trực tiếp cho người dân, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm và an sinh xã hội. 

Theo đó, EVFTA dự kiến giúp mỗi năm tăng thêm khoảng 146.000 việc làm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030); ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025). 

Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày đang chịu áp lực lớn về việc làm cho người lao động.

“EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm, mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng 1% so với doanh nghiệp trong nước”, ông Thân cho biết.

Tin rằng có nhiều kỳ vong, nhưng ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, bên cạnh những lợi ích cho người lao động, ở chiều ngược lại, Hiệp định EVFTA tạo ra sức ép nhất định với cộng đồng lao động về tay nghề, kỹ năng… Các doanh nghiệp châu Âu cần nhiều lao động có kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Nhưng thực tế, chất lượng lao động của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. 

Theo ông Minh, đến cuối năm 2019, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, chỉ có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021. Những ngành được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực lại tập trung nhiều lao động phổ thông, dễ mất việc làm do máy móc sẽ thay thế… 

“Do đó, Việt Nam cần quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nhân rộng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động”, ông Nguyễn Hải Minh cho hay.

Chưa thể có tác động trong thời gian ngắn

Kỳ vọng là thế, nhưng để giải quyết bài toán việc làm cho người lao động sau đại dịch COVID-19 có lẽ cũng không nên quá kỳ vọng từ hiệp định này. Đơn cử như những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày đang chịu áp lực rất lớn về việc làm cho người lao động. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài số lao động bị mất việc thì số còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất, giảm 40% thu nhập. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường mà các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam xuất khẩu hàng hóa lớn. Nếu các doanh nghiệp không duy trì được sản xuất kinh doanh sẽ khó có thể tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hay EVFTA mang lại vào tháng 8 năm nay. Điều này khiến số lượng lớn người lao động không đảm bảo được việc làm ổn định. 

“Hiệp hội, doanh nghiệp đã bằng mọi cách để người lao động không bị sa thải, mất việc làm. Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh tác động lớn như vậy, rất cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp người lao động kịp thời để có thể vượt qua khủng hoảng này”, ông Cẩm đề xuất.

Trước những tác động tiêu cực đến công ăn việc làm cho lao động, đơn cử như của hai ngành dệt may và da giày, với hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành bị mất việc hoàn toàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam ký kết và đưa ra tuyên bố chung về sáng kiến hợp tác khắc phục hậu quả của đại dịch đối với người lao động, doanh nghiệp ngành dệt may, da, giày, túi xách Việt Nam. 

Bản tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), các đối tác, các nhãn hàng EU có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo ra các cơ chế và hỗ trợ về nguồn lực để giúp các ngành công nghiệp dệt may, da, giày, túi xách trở thành ngành công nghiệp sáng tạo...

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bản tuyên bố chung thể hiện mong muốn nhu cầu, nguyện vọng của người lao động trong ngành dệt may, da giày, túi xách đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần hành động chung của các đối tác. 

“Trước hết, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục có các gói hỗ trợ đi vào đời sống, tháo gỡ các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp đảm bảo chính sách an sinh cho người lao động. Đồng thời kêu gọi các đối tác EU - một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam, thị trường bạn hàng. Đây là hành động để hiện thực hóa hiệp định thương mại tự do mà 2 bên vừa ký và đã được Quốc hội thông qua”, ông Hiểu cho hay. 

Ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA

Ngay sau 1 tuần Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15-6-2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA áp dụng với đối tượng là cơ quan, tổ chức cấp C/O và thương nhân. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA. 

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. (Phan Đức)

Phan Hoạt
.
.
.