Xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo cả nước

Thứ Năm, 13/09/2018, 10:27
Ninh Thuận là vùng đất quanh năm nắng gió, thường xuyên đối mặt những cơn đại hạn, nhưng là nơi có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Vài năm gần đây, hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT) đã được hàng chục doanh nghiệp đầu tư khai thác ở địa phương này.

Theo các nhà khoa học, Ninh Thuận có tổng số giờ nắng trung bình mỗi năm 2.843 giờ - một chỉ số cao nhất nước, còn lượng bức xạ hằng năm 161,6 kcal/cm², trung bình ngày tương đương với 5,221 kWh/m², mức chênh lệch lượng bức xạ mặt trời giữa các mùa không cao. Tổng diện tích tiềm năng ĐMT ở Ninh Thuận lên đến 79.640ha, chiếm 23,7% tổng diện tích tự nhiên ở vùng đất này.

Những trụ điện gió ở Ninh Thuận đã được xây lắp.

Đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định chủ trương đầu tư 27 dự án ĐMT với tổng công suất 2.023 MW, trong đó có 12 dự án đã khởi công có tổng công suất 968 MW với tổng nguồn vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Bên cạnh 12 dự án đã khởi công, trên địa bàn Ninh Thuận còn có 12 dự án chuẩn bị khởi công với tổng vốn đầu tư 20.324 tỷ đồng. Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận – ông Phạm Đăng Thành cho biết, để khuyến khích và thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất từ các dự án ĐMT…

Giữa lúc các dự án ĐMT đang khởi sắc thì nhiều dự án điện gió ở Ninh Thuận vẫn còn… ì ạch. Đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định chủ trương đầu tư 15 dự án điện gió, trong đó có 12 dự án với tổng công suất hơn 748 MW, tổng nguồn vốn 22.577 tỉ đồng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chỉ có 3 dự án triển khai đúng tiến độ cam kết. 9 dự án điện gió còn lại dù các cơ quan chức trách nhiều lần đề nghị tập trung nguồn lực thực hiện đúng cam kết nhưng tiến độ thi công vẫn chậm.

Nổi cộm nhất là nhà máy điện gió của Công ty CP Phát triển điện gió Phước Hữu ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.495 tỷ đồng. Dự án này khởi công từ tháng 10-2010, cam kết vận hành trong tháng 12-2011, nhưng gần 7 năm qua chỉ mới san lấp mặt bằng trạm biến áp, chủ đầu tư chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, chưa hoàn tất thủ tục xây dựng... Một số chủ đầu tư lý giải nguyên nhân thay đổi thiết kế dự án, tác động kinh tế thị trường, chưa ký kết được hợp đồng mua bán điện với EVN…

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương luôn đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng nhiều chính sách, kịp thời giải tỏa khó khăn vướng mắc, tiếc rằng nhiều chủ đầu tư thiếu quyết tâm, thậm chí có dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi mới tìm kiếm đối tác tài chính; có doanh nghiệp đăng ký 3 dự án nhưng đều chậm tiến độ, khi có chỉ đạo thu hồi 1-2 dự án thì chủ đầu tư cam kết tập trung thực hiện dự án còn lại, nhưng vẫn chậm trễ.

Sau kiểm tra rà soát, cuối tháng 8-2018, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo kiên quyết thu hồi, chấm dứt hiệu lực những dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ để chuyển giao cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính và thật sự nỗ lực đầu tư để tránh ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ninh Thuận đang nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo bằng nhiều giải pháp thu hút dự án đầu tư chiến lược để sớm hiện thức hóa mục tiêu xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Hữu Toàn
.
.
.