Trò chuyện Chủ nhật

Chính phủ đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ Nhật, 19/02/2017, 08:46
Việc Thủ tướng ban hành hai nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp đã khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư. Xung quanh những tín hiệu tích cực này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ThS. Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 16-5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP “về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”. Sau hơn 8 tháng thực hiện Nghị quyết 35, để tiếp tục cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 6-2-2017, Thủ tướng lại ký ban hành tiếp Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP “về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020”.

Việc Thủ tướng ban hành hai nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp đã khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư. Xung quanh những tín hiệu tích cực này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ThS. Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

ThS. Phan Đức Hiếu.

PV: Thưa ông, khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính. Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động cụ thể. Ông ấn tượng nhất về quyết sách nào của Chính phủ?

Ths. Phan Đức Hiếu: Có rất nhiều quyết sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được đưa ra trong hơn một năm qua, đặc biệt là những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

 Ấn tượng nhất là Nghị quyết 19 thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Lần đầu tiên có một Nghị quyết hoàn toàn khác với khái niệm “nghị quyết” mà chúng ta thường hiểu – không còn chung chung mà rất cụ thể, rất toàn diện, dầy hơn 50 trang với 4 phụ lục.

Điều này thể hiện một ý chí, một quyết tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong thực hiện đầy đủ thông điệp như khi nhận chức. Điều quan trọng của quyết tâm này là đặt nước ta vào cuộc đua, cạnh tranh toàn thế giới về cải cách chất lượng môi trường kinh doanh.

PV: Từ góc độ của một người nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về quá trình cải cách môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hiện nay? Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai nghị quyết?

Ths. Phan Đức Hiếu: Những thông điệp, những giải pháp cải cách cụ thể đã được đề ra rõ ràng và toàn diện. Vấn đề lớn nhất và cũng là kỳ vọng lớn nhất của tôi nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung là việc hiện thực hóa chủ trương. Nói cách khác kỳ vọng lớn nhất là việc triển khai thực hiện kịp thời và đầy đủ các chủ trương, giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, các Bộ, ngành và địa phương phải thực sự chủ động, tích cực và phát huy thêm sáng kiến trong tổ chức thực hiện chủ trương, giải pháp của Chính phủ. Kết quả cải cách phải được đo lường và thể hiện bằng tác động tích cực và thiết thực đến hoạt động kinh doanh, đó là: hoạt động kinh doanh ít rủi ro pháp lý hơn, doanh nghiệp tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí cho hoạt động kinh doanh giảm xuống, quy định pháp luật không còn là rào cản gia nhập thị trường mà nhằm đảm bảo, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Thời gian đầu, sáng kiến cải cách xuất phát từ Trung ương, áp lực từ Chính phủ ép xuống. Như vậy, rất nhiều cải cách mới chỉ dừng lại về mặt chủ trương  nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả vì các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan mới chỉ cải cách để tuân thủ chỉ đạo của Trung ương. Nhiều cơ quan chưa thực sự chủ động sáng kiến và chưa chủ động ý thức được trách nhiệm của mình, thậm chí thờ ơ và tìm kiếm lý do để trì hoãn cải cách. Điều này hạn chế đáng kể kết quả của cải cách.

Đáng mừng, tình hình này hiện nay dần đã có những thay đổi tích cực. Đến nay, phần lớn các Bộ, ngành và địa phương đã nhận thức rõ yêu cầu của Nghị quyết và một số Bộ, địa phương đã có hành động cụ thể nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực tế có một số cải cách đã được thực hiện và mang lại tác động lớn như: bãi bỏ kiểm tra formaldehyt, bãi bỏ thủ tục Xác nhận khai báo hóa chất, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo,... Ngược lại, có những chính sách mới được ban hành các quy định đi ngược với tinh thần và nỗ lực cải cách của Chính phủ, áp đặt tăng phí cho hoạt động kinh doanh.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải đồng hành cùng với Chính phủ, cần nhận thức rõ yêu cầu của Nghị quyết và coi việc thực thi là một nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc một cách thực chất, tìm hiểu các vấn đề của doanh nghiệp để từ đó tìm kiếm các sáng kiến hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và của nền kinh tế.

PV: Ông nhận định thế nào về những thách thức đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam?

Ths. Phan Đức Hiếu: Thách thức đối với cải thiện môi trường kinh doanh nước ta năm 2017 và tiếp theo là rất lớn. Bởi vì, chất lượng môi trường kinh doanh vẫn đang ở mức trung bình trên thế giới; một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh đang ở mức yếu, kém như: nộp thuế xếp hạng 167/189, phá sản xếp hạng 125/189 quốc gia. Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4 mà Chính phủ đặt ra hiện là chưa đạt được và còn cách một khoảng khá lớn.

Do đó, để có sự cải thiện mạnh mẽ thì nỗ lực cải cách của năm 2017 đòi hỏi mức độ cần cải cách là rất lớn và đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, thậm chí nỗ lực cải cách phải lớn hơn rất nhiều lần so với trước đây. Nếu chúng ta chỉ duy trì quyết tâm và nỗ lực như những năm trước thì thậm chí chúng ta có nguy cơ tụt hậu so với những nước xung quanh như: Indonesia, Bruney, Campuchia,…

PV: Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng họ vẫn gặp khó khăn về thủ tục hành chính,  pháp lý… điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và tiến trình mở dự án tại Việt Nam. Vậy theo ông cần làm gì để những chính sách ưu việt, tinh thần đổi mới thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển?          

Ths. Phan Đức Hiếu: Hiện vẫn còn rất nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đổi mới sáng tạo, rào cản gia nhập thị trường, làm gia tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp,… Thực thi các quy định pháp luật còn yếu kém, làm gia tăng thêm thời gian, phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua cạnh tranh giữa Chính phủ các nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Một môi trường kinh doanh tốt, cạnh tranh là môi trường kinh doanh mà các quy định tạo ra chi phí thấp nhất và ít rủi ro pháp lý nhất cho doanh nghiệp.

Vì vậy Chính phủ cần quyết liệt, mạnh mẽ và thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, giải pháp cải cách đã đề ra. Ngoài ra, cần sự tự giác, chủ động, ý thức trách nhiệm của Bộ, ngành Trung ương và địa phương và cơ quan có liên quan cũng như cá nhân từng công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cần thay đổi tư duy quản lý Nhà nước từ “quản lý bằng mọi giá” sang tư duy “quản bằng phương thức ít tốn kém, ít rủi ro và ít gây cản trở nhất” cho doanh nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.