"Quyết định lịch sử" của Bộ Công thương sẽ mang lại điều gì?

Chủ Nhật, 24/09/2017, 07:49
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, Việt Nam có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, số điều kiện kinh doanh từ 4.200 – 5.700 điều kiện.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất Chính phủ cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép “con”, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp (DN). Một động thái tích cực nữa là Bộ Công Thương cũng đã mạnh tay cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, được coi là một quyết định lịch sử. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) về vấn đề này.

PV: Bộ KH&ĐT vừa có đề xuất Chính phủ về việc cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Ông có nhận định và kỳ vọng gì về đề xuất này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đề xuất cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh là đề xuất rất mạnh bạo của Bộ KH&ĐT. Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp, dù có hơi tham vọng. Đây là con số dễ gây sốc nhưng là dịp tốt để rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Ở các nước đã thành công trong cải cách, khi tiến hành giải pháp giảm quy định (deregulations) như Hàn Quốc cách đây 20 năm đã đặt ra mục tiêu cứng cắt giảm đến 50% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Từ đề xuất này, tôi kỳ vọng vào quá trình thảo luận chủ đề này  của Chính phủ và từng bộ, ngành. Trong phiên họp Chính phủ mới đây, chúng tôi rất mừng là người đứng đầu Chính phủ đã kết luận nghiên cứu để tiến tới ban hành nghị định về tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh và quy trình ban hành điều kiện kinh doanh, tái khởi động hoạt động của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm tổ trưởng.

PV: Có thể thấy, “rừng” giấy phép “con” đang tạo áp lực rất lớn cho DN và cơ quan quản lý vì các giấy phép này ẩn mình trong các quy định. Vậy theo ông, khi cắt bỏ các điều kiện này sẽ gặp những trở ngại, khó khăn gì?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trên thực tế, điều kiện kinh doanh ngày càng tinh vi và phức tạp, nó không chỉ mang tên là giấy phép, giấy chứng nhận. Ví dụ nhiều thủ tục thông báo mà thực ra là cấp phép, hay nó nằm dưới dạng chấp nhận phương án kinh doanh, phù hợp quy hoạch, có giấy chứng nhận ủy quyền của nhà sản xuất hay phải dán tem cho sản phẩm… Việc dễ dàng đặt ra giấy phép kinh doanh (mà nhiều giấy phép trong số đó là không hợp lý, gây phiền hà, tốn kém cho hoạt động kinh doanh) tạo ra hậu quả tiêu cực rất lớn cho DN.

Thêm nữa, đằng sau nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh có bóng dáng của lợi ích, bởi cấp phép là xin - cho, muốn xin thì người xin phải “biết điều”! Đằng sau quy định về điều kiện kinh doanh có thể là những trung tâm có thẩm quyền xét nghiệm, những nơi được đào tạo, cấp chứng chỉ… để thu phí.

Hay đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian thì lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao…  Nhiều điều kiện kinh doanh dường như lại được sử dụng như một công cụ để gạt các DN nhỏ ra khỏi thị trường, ngăn ngừa DN mới tham gia thị trường để giảm áp lực cạnh tranh, nhưng điều này tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho cạnh tranh bình đẳng, cho thị trường, cho người tiêu dùng và cho nền kinh tế.

PV: Mặc dù một số bộ, ngành đã vào cuộc nhưng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đang diễn ra rất chậm. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là một thực trạng buồn ở Việt Nam. Để bãi bỏ một điều kiện kinh doanh có thể mất hàng năm trời. Chúng ta đã thấy bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may đã mang lại nhiều lợi ích cho DN. Nhưng hành trình để bãi bỏ quy định này tại Thông tư 37 của Bộ Công Thương lại mất hàng năm trời. Cộng đồng DN, các hiệp hội, các chuyên gia phải kiến nghị ròng rã. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và động lực để thực hiện.

Một vấn đề nữa là bỏ thì khó, nhưng ban hành, đặt ra điều kiện mới thì lại rất dễ. Các DN ngành in đã rất ngỡ ngàng khi giấy phép nhập khẩu thiết bị in được dựng lại quá dễ dàng tại Nghị định 60 năm 2014, dù đã được bãi bỏ từ quá trình bãi bỏ giấy phép kinh doanh đầu những năm 2000, thời kỳ thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Chúng tôi muốn nói, không chỉ rà soát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh hiện có mà phải xây dựng quy trình kiểm soát, ban hành mới các điều kiện kinh doanh, giống như chúng ta không chỉ làm sạch nước trong bể bơi mà phải kiểm soát nguồn nước chảy vào bể có sạch không. Theo kinh nghiệm của các nước thì giải pháp cấp phép thường là giải pháp cuối cùng, khi các giải pháp khác không hiệu quả.

Ví dụ Nghị định 38/2012/NĐ-CP có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nhiều DN, chuyên gia cho rằng dù quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là quan trọng, cần phải nâng cao hơn nữa nhưng giải pháp hiện tại theo Nghị định 38 là không hiệu quả do đây là kiểm soát hoàn toàn trên giấy, cơ quan quản lý ngồi một chỗ và xác nhận, cấp phép, hoàn toàn không tác động đáng kể đến chất lượng an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ, 99% vụ ngộ độc diễn ra ở đường phố, bếp ăn tập thể thì lĩnh vực đó bộ máy nhà nước về an toàn thực phẩm không tập trung vào. Những DN lớn, có thương hiệu, làm ăn bài bản, nguy cơ mất an toàn thực phẩm thấp hơn, nhưng trọng tâm quản lý lại đang dồn vào đây, các giải pháp cấp phép không tạo ra chuyển biến tích cực an toàn nhưng tạo ra chi phí và phiền hà cho DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phải thay đổi cách thức quản lý, Nhà nước cần ban hành đủ các tiêu chuẩn chất lượng để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước cùng lắm chỉ chọn một số sản phẩm đặc biệt nhạy cảm, áp dụng các biện pháp quản lý trên thực tiễn, kiểm soát chất lượng tại nguồn, kiểm soát theo xác suất và trừng phạt nghiêm khắc nếu DN vi phạm.

PV: Thực tế, cắt giảm điều kiện kinh doanh luôn là vấn đề thời sự. Vì sao Thủ tướng quan tâm, nhiều thành viên Chính phủ cũng quyết tâm mà vẫn chưa giảm được như kỳ vọng, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo quan sát của tôi có 2 lý do chính. Thứ nhất là văn hoá quản lý, vẫn còn phổ biến xu hướng chọn dễ tránh khó, cấp phép là giải pháp quản lý dễ, ngồi một chỗ và DN người dân phải đến xin, cơ quan quản lý thì lại có quyền. Quyền tạo ra tiền, ra lợi ích.

Thứ 2, việc bãi bỏ giấy phép kinh doanh thời gian qua chưa gắn được với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực. Chưa ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu khi lĩnh vực họ phụ trách đặt thêm nhiều điều kiện kinh doanh gây phiền hà, cản trở sự phát triển.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra. Nó không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của DN, xa hơn nó còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. Nó tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các DN và bộ máy hành chính nhà nước.

PV: Vậy để loại bỏ được những điều kiện kinh doanh không cần thiết thì trong thời gian tới cần giải pháp gì?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo tôi, quyết tâm thôi chưa đủ mà phải hành động thực chất, quyết liệt. Có cơ chế giám sát, xử lý bộ, ngành cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc sinh thêm giấy phép mới. Theo tôi chỉ cần thực hiện hết các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành hằng năm đã có thể tạo ra thay đổi lớn.

Hiện nay chúng ta đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát để đề xuất bãi bỏ, chưa có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm này có thể không hiệu quả, bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó. Thực sự rất khó. Thường cơ quan đang cấp phép không nên và không thể là cơ quan chủ trì soạn thảo hay cắt giảm quy định về cấp phép. Nhưng ở ta đang phổ biến như vậy.

Do đó, trong bối cảnh này, Chính phủ cần tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập như viện nghiên cứu, VCCI, các hiệp hội.

Chúng ta đã thấy hệ quả tiêu cực của điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong lĩnh vực xuất khẩu gạo với sự phát triển của DN tư nhân, tới bà con nông dân và tới cả ngành gạo Việt Nam. Nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết hàng trăm, hàng nghìn DN Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh.

Điều này không chỉ gây hệ luỵ lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên tốp đầu các nước ASEAN mà còn làm chậm quá trình phát triển của cả nền kinh tế, khi mỗi DN là một hạt nhân. DN khoẻ thì kinh tế mới phát triển và quốc gia mới thịnh vượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV
.
.
.