Xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không: Cần có bước đi thận trọng
Tại Việt Nam, các dự án xã hội hóa đầu tư kết cầu hạ tầng hàng không cũng đang chứng tỏ sức hấp dẫn của mình, khi danh sách các nhà đầu tư xin tham gia liên tục được bổ sung. Điểm đáng chú ý nhất trong danh sách các nhà đầu tư đã nộp hồ năng lực cho Tổng Công ty Cảng Hàng không VN (ACV) để xin tham gia vào các dự án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, mà DN này đang triển khai chính là việc có mặt hầu hết đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Có thể kể đến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, CTCP Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành… Trong số này, Hợp Thành là doanh nghiệp mới nhất, vừa nộp hồ sơ gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư dự án xây dựng Nhà ga quốc tế, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh – 1 trong những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không được đánh giá là hấp dẫn nhất hiện nay.
Dự án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không đang thu hút các nhà đầu tư. |
Không hấp dẫn sao được khi trong một báo cáo mới nhất do Phó Tổng giám đốc ACV Đào Việt Dũng ký gửi Bộ GTVT, danh sách nhà đầu tư xin tham gia vào dự án này đã lên tới con số 8 nhà đầu tư. Được biết, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế, CHK quốc tế Cam Ranh là nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, hoặc có kinh nghiệm khai thác các dịch vụ liên quan đến hàng không.
Kế đó, nếu được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ phải nộp đủ số tiền đầu tư cho dự án trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận góp vốn. “Số tiền này được nộp vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do ACV chỉ định và chỉ được sử dụng vào mục đích góp vốn xây dựng, triển khai dự án”, ông Đào Việt Dũng cho biết. Được biết, tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới 2.000 tỷ đồng, nhằm xây dựng nhà ga hành khách mới phục vụ 2 triệu khách quốc tế/năm, được thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt, có 2 cầu ống dẫn khách.
Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế mở, để có thể đầu tư nâng công suất lên 4 triệu khách/năm khi có nhu cầu. Cùng với Cam Ranh, thì Phú Quốc cũng là dự án thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng hàng không. Về dự án này, đại diện ACV khẳng định đối tượng tham gia sẽ là các doanh nghiệp trong nước. Ngoài 2 dự án trên, thì ACV cũng đang kêu gọi đầu tư vào một loạt các dự án khác như dự án Nhà ga hàng hóa – Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; dự án đầu tư Nhà để xe ga quốc nội – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...
Liên quan tới vấn đề này, cuối tháng 8/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã có văn bản phúc đáp gửi Bộ GTVT về Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Theo Bộ KH-ĐT, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài mới được đưa vào sử dụng nhà ga hành khách quốc tế mới, công suất 10-15 triệu hành khách/ năm và đồng thời mới được nâng cấp hệ thống đường lăn, mở rộng sân đỗ.
Vì vậy, không thể khẳng định là cảng hàng không này có dấu hiệu quá tải, ùn tắc. Mặt khác, những cảng hàng không mặc dù đang trong tình trạng quá tải, nhưng đã được bố trí vốn đầu tư và đang triển khai nâng cấp, như Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HK Pleiku… thì cũng không cần thiết đưa vào phần thuyết minh về sự cần thiết của đề án. Theo Bộ KH-ĐT, hình thức đầu tư trực tiếp chỉ nên áp dụng cho các dự án đầu tư có tính chất thương mại…
“Hình thức nhượng quyền khai thác sân bay là hình thức mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, vì vậy cần có những bước đi thận trọng”, ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến 2020, chỉ đưa một số lĩnh vực phù hợp tại Cảng Hàng không Phú Quốc vào danh mục thí điểm nhượng quyền khai thác.