Cải thiện môi trường kinh doanh - “cải cách vẫn chưa tới đích”

Thứ Bảy, 16/12/2017, 06:36
Văn phòng Chính phủ mới đây đã ra thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu Báo cáo một số giải pháp chính sách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch & Đầu tư để xử lý khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 117 (2017) của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. 


Báo cáo đã đưa ra một số đề xuất chung và cụ thể về các chi phí mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu khi gia nhập thị trường.

Báo cáo trên (do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM thực hiện) nhận định “cải cách vẫn chưa tới đích”. Môi trường kinh doanh đã cải thiện theo chiều hướng tích cực cho doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn và cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải chịu đựng gánh nặng chi phí có nguồn gốc từ thực thi các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước, như tỷ lệ đóng bảo hiểm xã  hội cao, tiền lương tối thiểu tăng nhanh, các loại thuế suất còn cao...

Đặc biệt, chi phí không chính thức rất lớn, làm mất lòng tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. CIEM cho biết: Từ thực tế cho thấy, chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi pháp luật, nhưng rất khó xác định, khó tiên liệu và không thể định lượng. Hệ lụy của tình trạng phải “chi” ngoài không chỉ là mất chi phí bằng tiền, mà nguy hại hơn là làm mất thời gian, có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu phân ra 3 nhóm bất hợp lý trong quy định làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Thứ nhất, chất lượng hệ thống pháp luật kinh doanh thấp; cách thức xây dựng pháp luật chưa đổi mới; chưa thay đổi mạnh mẽ tư duy theo hướng xây dựng thể chế, pháp luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ hai, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật kinh doanh vẫn còn thấp.

Thứ ba, bộ máy thực thi pháp luật kinh doanh cồng kềnh, chưa sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, chất lượng đội ngũ công chức thấp. Đáng chú ý hơn, nhóm nghiên cứu nhận định: Cán bộ thực thi pháp luật không chỉ yếu về chuyên môn, mà hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn tồn tại khá phổ biến.

Trong các cuộc thanh tra, doanh nghiệp thường phải đưa tiền cho đoàn thanh tra cho dù có vi phạm pháp luật hay không. Kết quả điều tra PCI năm 2016 cho thấy, trong các trường hợp bị thanh, kiểm tra, 45% doanh nghiệp đã đưa “phong bì”. Trong khi đó, các cơ chế tiếp thu phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp hiện nay không đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp nhận giấy tờ.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đi theo hướng không tuân thủ pháp luật và chịu chi tiền cho thanh tra vì họ biết tuân thủ pháp luật vẫn bị thanh tra và mất tiền.

Để cải thiện tình trạng này, báo cáo đưa ra một số giải pháp chung, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh vẫn là ưu tiên hàng đầu, với mục đích cuối cùng là xóa bỏ những bất hợp lý về thể chế nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Nhấn mạnh “chi phí tuân thủ quá cao chứng tỏ hiệu quả quản lý nhà nước thấp”, CIEM cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh không thể chỉ dừng ở “tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi” chung chung nữa, mà cần phải “xóa bỏ những bất hợp lý đang tồn tại”.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh, CIEM kiến nghị Chính phủ thành lập một Ủy ban (hoặc Ban, hoặc Tổ) độc lập về cải cách thể chế, pháp luật kinh doanh do Thủ tướng đứng đầu nhằm rà soát pháp luật kinh doanh, sàng lọc, phát hiện những bất hợp lý, đề xuất hướng xử lý nhanh, đưa ra thảo luận và lấy ý kiến tại các cuộc họp của Chính phủ để sửa đổi và áp dụng ngay...

Trong các kiến nghị cụ thể, nhóm nghiên cứu có phản ánh tình trạng chi phí BOT cao và tăng nhanh trong mấy năm gần đây khiến chi phí vận tải đường bộ trong nước hiện nay đã cao hơn chi phí vận tải biển quốc tế từ Việt Nam đi các nước.

Ví dụ, đối với xe container 20 feet, năm 2014, phí qua trạm được phép thu tối đa 100 nghìn đồng/lượt, năm 2015 tăng lên 120 nghìn đồng/lượt và năm 2016 tăng lên 140 nghìn đồng/lượt (tăng 40%). Phí trên quốc lộ 5 cũ đối với xe container 20 feet tăng từ 80.000 đồng/lượt năm lên 140.000 đồng/lượt kể từ ngày 1-4-2016, trước khi được giảm xuống còn 125.000/lượt từ ngày 20-11-2016, tăng 56% so với giai đoạn trước ngày 1-4-2016. Trước tình trạng này, CIEM đề nghị Ban chỉ đạo nhà nước về PPP tăng cường giám sát các dự án BOT giao thông để đảm bảo chi phí đầu tư hợp lý nhất, nhất là chi phí xây dựng và chi phí vốn vay.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hướng bắt buộc đấu thầu xây dựng dự án BOT và chỉ chấp nhận vốn vay tối đa 70% tổng chi phí thực hiện dự án; nguồn vốn chủ sở hữu 30% phải có nguồn gốc rõ ràng.

Bộ Tài chính thực hiện giám sát thu phí bằng cách bắt buộc trạm thu phí lắp đặt hệ thống đếm xe tự động bằng camera và bằng thiết bị cảm biến mặt đường trên các trạm thu phí, truyền số liệu tự động về Bộ Tài chính và công khai trên Internet... Nhà nước sử dụng các quỹ dài hạn như quỹ BHXH để cho vay đầu tư vào dự án BOT với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, giảm chi phí cho dự án BOT.

Nam Phương
.
.
.