Café doanh nhân và những hiến kế cải cách

Thứ Tư, 15/03/2017, 08:29
Chiều 14-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi Café Doanh nhân với chủ đề “Sáng kiến cải cách từ cơ sở” tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Mang đến buổi café doanh nhân mô hình “ngày thứ hai cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Liêm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, đây được coi là một trong những hoạt động trọng tâm được chính quyền thành phố hết sức chú trọng nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết các khúc mắc của các doanh nghiệp. 

Thực hiện mô hình này, năm 2016, UBND TP đã quyết định không tổ chức họp giao ban sáng thứ hai để dành thời gian cho các giám đốc sở, ngành trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp. Còn cấp lãnh đạo thành phố trên cơ sở chương trình làm việc trong năm sẽ định kỳ tiếp doanh nghiệp mỗi tháng 1 lần.

Bên cạnh đó, TP cũng lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin giải quyết các vụ việc, đồng thời là nơi để tiếp nhận những thông tin phản hồi từ phía doanh nhân. Mô hình này đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, trở thành câu chuyện điển hình trong cả nước

Ảnh mang tính chất minh họa.

Tuy không cố định vào một ngày như tại Cần Thơ, song mô hình Café doanh nhân tại Tuyên Quang được xây dựng thành chương trình gặp gỡ giữa các lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân và thậm chí có sự tham gia của các ca sĩ để làm cho buổi gặp gỡ mang đậm hơi thở cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình này được triển khai từ năm 2014 đến nay tại Tuyên Quang đã tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nhân gặp gỡ đầy đủ lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành, từ đó doanh nghiệp có cơ hội để giãi bày các khó khăn và được giải quyết một cách kịp thời. 

Việc rút ngắn khoảng cách của doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh được coi là một “cơ chế mềm”, giải quyết rất hiệu quả những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp vốn khó có thể có điều kiện để chuyển tải tới các lãnh đạo tỉnh. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Cuối năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có sáng kiến mở gian hàng cà phê sân vườn ở tại khuôn viên UBND tỉnh. Qua đó, lãnh đạo địa phương có thể tiếp nhận được ý kiến của mỗi doanh nghiệp chỉ mất 15-30 phút, giúp tránh việc phải trải qua những khâu thủ tục hành chính có thể kéo dài hàng tuần hàng tháng như trước đây.

Sáng kiến thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) của tỉnh Quảng Ninh được coi là một ý tưởng thành công điển hình, giúp mang lại vị trí thứ hạng cho Quảng Ninh trong xếp hạng năng lực cạnh tranh trong nhiều năm gần đây của Quảng Ninh, đồng thời được DN đánh giá cao. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổ trưởng Tổ Công tác PCI Quảng Ninh cho biết, đây thực chất là cơ quan có nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ, đưa ra sáng kiến cho doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh để cả hệ thống đều vào cuộc giúp cho nhà đầu tư. 

Đây cũng là nơi chịu sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo cao nhất của tỉnh, để khi doanh nghiệp có ý định đầu tư, xúc tiến đầu tư và rót vốn sẽ được xử lý thông tin và thủ tục kịp thời, không phải chờ đợi quá lâu dẫn tới thay đổi quyết định đầu tư. 

Ông Thành cho biết, qua 5 năm, IPA đã khẳng định được hiệu quả đầu tư, góp sức kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường niềm tin để các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn đầu tư phát triển. 

Trong vòng 5 năm thực hiện từ 2012-2016, vốn đầu tư vào Quảng Ninh tăng ngoạn mục với trên 190 nghìn tỷ đồng huy động cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; vốn FDI giai đoạn này đạt 2,58 tỷ USD, gần bằng cả giai đoạn 25 năm của thời kỳ đổi mới trước đây, góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh cất cánh…

Bên cạnh đó, mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh Bình Dương cũng được nhiều doanh nghiệp ghi nhận với sự nghiêm túc học hỏi từ các mô hình đã thành công của Singapore, Hàn Quốc và cả của Quảng Ninh.

L.Hiệp
.
.
.