CPTPP có hiệu lực sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa

Chủ Nhật, 06/01/2019, 10:02
Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.


Ngày 30-12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.

Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật tuần này đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia ( NCIF- Bộ Kế hoạch & Đầu tư) về tác động của CPTPP đối với Việt Nam trong năm 2019. 

PV: Việt Nam thực thi CPTPP trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, vừa là động lực nhưng cũng đầy thách thức. Ông đánh giá như thế nào về tác động của Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019?

TS. Trần Toàn Thắng.

TS. Trần Toàn Thắng: Theo tôi, việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi từ Hiệp định này, đặc biệt về kinh tế. Chúng ta sẽ được tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và các thị trường Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại như Canada, Mexico, và Peru …

Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP là hiệp định mở, trong tương lai có thể có thêm một số thành viên khác ví dụ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, về tổng thể CPTPP thực thi là có lợi cho Việt Nam. Chúng tôi dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%.

Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP. Một số nhóm hàng sẽ bắt đầu có thuế quan bằng 0, một số nhóm bắt đầu lộ trình cắt giảm dài hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng kỳ vọng vào triển vọng kinh tế ở Việt Nam. DN nội địa thì cũng kỳ vọng vào tăng trưởng trong nước. Vì thế, việc kỳ vọng tăng sẽ kéo theo đầu tư tăng, có thể tạo ra những tiềm năng tốt, mở ra “room” rất lớn cho tăng trưởng trong năm 2019.

PV: Theo ông, ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

TS. Trần Toàn Thắng: Kết quả tính toán của chúng tôi cũng cho thấy trong CPTPP, dệt may và da giày là những ngành được đánh giá là có mức hưởng lợi cao nhất. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may tăng thêm là từ 8,3-10,8% nhờ sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.

Hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi từ CPTPP. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4-5% và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7-9,6%. Việc CPTPP có tác động tích cực hơn cho nhóm ngành thâm dụng lao động có một ngụ ý cả tốt lẫn xấu cho cải thiện năng lực cạnh tranh ở Việt Nam. 

Một mặt năng lực cạnh tranh của những sản phẩm xuất chủ lực sẽ vẫn tiếp tục được cải thiện do nhóm ngành này tăng được tích luỹ, mặt khác cho thấy cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh của nhóm ngành thâm dụng vốn tiếp tục trở lên thách thức hơn... Ngụ ý khác nữa, đó là triển vọng thu hút FDI công nghệ cao (sẽ dựa trên khả năng thâm dụng vốn). Nếu như lợi thế thâm dụng lao động tiếp tục được phát huy nhờ CPTPP thì việc thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Sâu hơn về FDI, có thể thấy tác động của CPTPP tới FDI vào Việt Nam xuất phát từ mở cửa đầu tư và giảm rủi ro đầu tư thông qua các cam kết về bảo hộ đầu tư; tự do hóa dịch vụ và tận dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại... DN FDI vào Việt Nam trong thời gian tới có thể giúp Việt Nam thay đổi được công nghiệp phụ trợ. Tức là bản thân FDI vào sẽ kéo theo các FDI của công nghiệp phụ trợ vào chứ không phải như là đơn thuần lắp ráp nữa. Đây là điểm tích cực từ CPTPP. 

Mặt khác, cán cân thương mại với Trung Quốc cũng có thể thay đổi, giảm dần được thâm hụt như hiện nay do các DN FDI sản xuất linh phụ kiện ngay tại Việt Nam. Do đó, có thể thấy yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP…

PV: Theo ông, ngành nào sẽ chịu “cú sốc” đầu tiên khi thực thi CPTPP?

TS. Trần Toàn Thắng: Do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%-0,52%. Tuy nhiên, vẫn giúp xuất khẩu tăng thêm được 2,18% đến 2,35%.

Như tôi nhìn nhận thì nếu chẻ cả các góc độ tăng trưởng của ngành, XNK của ngành cộng với việc phân bổ lợi ích các nhóm trong xã hội thì ngành nông nghiệp có thể bị tác động nhiều nhất. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, Việt Nam không có lợi thế và bị tác động âm. Nếu ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng thì đại bộ phận người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.

Mới đây, chúng tôi cũng đi khảo sát ở khu vực miền núi, trong đó có những hộ về chăn nuôi, thấy tác động rõ nét nhất là chăn nuôi bò thịt. Tỷ lệ nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, Úc vào Việt Nam tương đối lớn đã tạo nên sức ép đối với ngành nuôi bò thịt của Việt Nam và trong tương lai gần thì rất khó có giải pháp gì lớn để thay đổi được. Bởi đối với ngành nông nghiệp, để thay đổi được năng lực cạnh tranh thì phải bắt đầu từ con giống. Ngành khác đi từ công nghệ nhưng với ngành nông nghiệp là giống. Và phụ thuộc vào quy mô và tập quán chăn nuôi. Cả 3 thứ này ở Việt Nam đều yếu. 

Để cải thiện ngành chăn nuôi, đang đối mặt trực tiếp tại CPTPP thì ngành chăn nuôi bò thịt không thấy một triển vọng gì lớn. Với nông nghiệp từ trước đến nay, vẫn là câu chuyện giống, chủ động về giống chúng ta chưa làm được. Con số nhập khẩu về giống của Việt Nam quá lớn, cho thấy chúng ta chưa có nền tảng.

PV: Theo ông, để thích nghi trong “sân chơi” CPTTP, doanh nghiệp (DN) Việt cần phải làm gì?

TS. Trần Toàn Thắng: CPTPP có hiệu lực, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. Vì vậy, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin chi tiết về CPTPP để tận dụng và so sánh lợi thế với các FTA khác, DN FDI thì rất sát sườn tìm hiểu thông tin, tuy nhiên DN trong nước lại không có thói quen cập nhật thông tin mới. Vậy, DN Việt có tận dụng được cơ hội hay không thì phụ thuộc vào chính bản thân DN.

Ngoài ra, rủi ro từ CPTPP đối với DN Việt Nam là anh không tận dụng được các cơ hội về xuất khẩu thì anh sẽ chịu tác động tiêu cực về sản xuất trong nước. Mặt bằng chung của DN Việt vẫn còn thấp, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, trong thời gian đầu, việc thu nộp ngân sách thì DN nội sẽ chịu nhiều sức ép hơn khi mà thu thuế nhập khẩu giảm.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu ứng “bát mỳ” có thể xảy ra khi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình 4 DN mới có 1 DN sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%) do quy mô DN nhỏ, cũng như thông tin giúp DN tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Việt Nam cần có một chiến lược tốt khắc phục điều này, CPTPP mới thực sự phát huy tác dụng.

Ngoài ra, khi CPTTP có hiệu lực, việc thu ngân sách là vấn đề lớn. Có rất nhiều bài toán cho thấy, Việt Nam đang kỳ vọng vào việc lấy thuế nội địa để bù cho thuế nhập khẩu. Điều đó cho thấy về mặt xã hội sẽ tạo ra một thách thức lớn cho cả nhà nước và xã hội đó là đối tượng để được hưởng lợi có thể là các DN, nhưng đối tượng chịu thiệt lại là người dân. 

Vì nhìn từ góc độ thu chi ngân sách thì dường như người dân đang chịu tác động tiêu cực từ việc tăng thu, tăng nguồn thu để bù đắp cho phần thiếu hụt của thuế nhập khẩu. 

Đây là một thách thức lớn mà Việt Nam cần phải giải quyết từ góc độ chính phủ. Không có một hiệp định nào có thể tạo ra được một sự công bằng cho tất cả các đối tượng trong xã hội. Trong phân tích của WB cũng cho thấy giữa các nhóm có thu nhập khác nhau thì sự hưởng lợi từ CPTPP cũng rất khác nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.