CPTPP: Thị trường nội địa là mỏ vàng cho các doanh nghiệp khai thác

Thứ Tư, 28/11/2018, 21:54
 Hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do Viện Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 28-11 tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, hiện 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30-12-2018. Với hiệu lực từ ngày 14-1-2019, CPTPP hứa hẹn mang đến cho Việt Nam cơ hội kết nối tốt nhất, động lực để cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư và xuất khẩu.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, với các FTA đã và đang được ký kết, DN Việt có cơ hội “nhảy vọt” nhưng hiện mới chỉ “nhảy tại chỗ”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tham gia các FTA thế hệ mới cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực. Nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động việc sử dụng công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.

Hiện nay, DN Việt đang bỏ quên thị trường trong nước. Các mặt hàng như xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng, vẫn “cháy hàng” ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu. Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao, và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận nhưng Việt Nam lại nhập khẩu các mặt hàng đã từng xuất khẩu.

“DN Việt cần quay lại đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Chúng ta ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được”, ông Ngô Chung Khanh nhận định.

 Hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới DN mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa. 

CPTPP cho chúng ta nhiều cơ hội khi các quốc gia đưa mức thuế suất về 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan. DN cũng có thể tiếp cận được các công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất hơn. Tuy nhiên, tự thân DN khó có thể giải quyết.

Theo ông Phạm Mạnh Cổn, Giám đốc Cty Eltek Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định DN tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, kết nối với nhau. Nhưng hiện nay các DN trong nước còn rất yếu, họ ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ít nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình. Nếu không tự đoàn kết được thì không chỉ khó trong xuất khẩu, mà cả thị trường trong nước, cũng sẽ khó có thể chiếm lĩnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, thách thức với DN đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng thác thức lớn nhất hiện nay là DN phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập CPTTP cho chính DN mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì DN không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó.  

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, khách hàng chủ động tìm đến DN. Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được.


Lưu Hiệp
.
.
.