Buôn lậu xăng, dầu trên biển có chiều hướng gia tăng

Thứ Năm, 02/08/2018, 09:33
Giá xăng, dầu trong nước hiện vẫn đang có sự chênh lệch lớn so với một số nước trong khu vực theo đó tại tuyến biển tình trạng buôn lậu xăng, dầu vẫn đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng.


Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thời gian vừa qua nổi lên vẫn là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu với quy mô, số lượng lớn trên vùng biển các tỉnh Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam.

Trong 6 tháng qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nam Bộ đã phát hiện và bắt giữ hơn 290 vụ buôn lậu về xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường v.v… trị giá hàng hóa gần 22 tỷ 300 triệu đồng. Trong đó có gần 1 triệu 800 ngàn lít xăng dầu và gần 300.000 bao thuốc lá. Đặc biệt, tình hình buôn lậu xăng dầu ngày càng diễn biến phức tạp trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và biên giới ở tỉnh An Giang.

Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ, xử lý 18 tàu với 107 đối tượng, trong đó có 20 đối tượng là người nước ngoài. Xử phạt 1.372.200.000 đồng; tịch thu: 7.487.840 lít dầu DO, bán phát mại sung công quỹ Nhà nước gần 90.948.515.000 đồng.

Điển hình là vụ xảy ra ngày 11-4, tại khu vực cách Đông Bắc Đèo Ngang 45 hải lý, Tổ công tác BTL Vùng Cảnh sát biển 2 phát hiện, kiểm tra, 1 tàu cá vỏ sắt Trung Quốc, có 3 thuyền viên đang cập mạn tàu Pacific Ocean (tàu chuyên dụng chở dầu), quốc tịch Singapore, trên tàu có 17 thuyền viên.

Cả hai tàu đang vận chuyển 4.979.068 lít dầu DO.  BTL Cảnh sát biển xử phạt VPHC 2 đối tượng với số tiền 137.500.000 đồng, tịch thu và phát mại được 57.259.282.000 đồng.

Trước đó, ngày 3-3, tại khu vực biển Đông Nam hòn Khoai 110 hải lý, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện và kiểm tra tàu BV- 96868 TS. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 7 thuyền viên, vận chuyển khoảng 467.155 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Tư lệnh CSB đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 đối tượng với số tiền là 36.000.000 đồng; tịch thu và phát mại toàn bộ số dầu với số tiền là 5.606.746.375 đồng.

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm là thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động của tàu thuyền, vì số lượng tàu thuyền hoạt động trên vùng biển xa bờ tăng, nhất là tàu cá của ngư dân.

Đi cùng với đó là nhu cầu sử dụng xăng, dầu phục vụ khai thác hải sản, vận tải biển trên các vùng biển là rất lớn. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá một số nước trong khu vực do một số nguyên nhân như giá xăng dầu trong nước phải chịu thuế, phí vận chuyển, nhân công phân phối, mặt bằng, bến bãi… bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là xăng, dầu chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân cả về số lượng và giá cả.

Theo ước tính, giá xăng dầu trong nước chênh lệch từ 2.500 đồng đến 4.000 đồng/lít so với các nước trong khu vực. Trên biển Kiên Giang, 1 cặp tàu đánh bắt trong 1 tháng nếu mua xăng, dầu lậu sẽ tiết kiệm được từ 45-60 triệu đồng so với mua trong đất liền, lại vừa tiết kiệm thời gian. Đây là một khó khăn trong công tác chống buôn lậu xăng dầu hiện nay.

Về thủ đoạn buôn lậu xăng, dầu trên biển, Đại tá Trần Văn Nam cho biết, với mặt hàng dầu DO, các đối tượng mua dầu của các tàu nước ngoài (hoặc của người Việt Nam) với giá rẻ không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; các tàu nước ngoài hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ để chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu.

Việc mua bán dầu thường diễn ra tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị phát hiện đối tượng nhanh chóng cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam. 

Các đối tượng buôn lậu còn sử dụng thủ đoạn thuê phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép, khi bị cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng thường không ra trình diện, bỏ hàng thành hàng vô chủ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.

Tổ công tác của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra và lập biên bản tàu vi phạm.

Qua thực tế đấu tranh với hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển cho thấy, các hoạt động mua bán xăng dầu trong 6 tháng đầu năm vẫn diễn ra chủ yếu trên các vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang và vùng biển giáp ranh với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cách rất xa bờ biển Việt Nam, do đó gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hoá đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn lậu xăng dầu trên biển để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, bởi sự việc diễn ra trên biển nên việc không thu thập được tài liệu chứng cứ còn nhiều hạn chế; trong khi đó chất lượng xăng dầu của nước ngoài tương đương với chất lượng xăng dầu của Việt Nam nên để phân biệt được rất khó.

Đối với các công ty nước ngoài có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam sử dụng vận đơn quốc tế để xoay vòng, vận đơn vận chuyển nội bộ công ty để thực hiện hành vi vi phạm gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh.

Lý giải vấn đề này, Đại tá Trần Văn Nam cho rằng, các giấy tờ mà đối tượng xuất trình cho cơ quan chức năng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nên phải nhờ sự trợ giúp của các nước sở tại; các đối tượng vi phạm có nhiều quốc tịch khác nhau, văn hoá, tín ngưỡng khác nhau nên công tác đấu tranh gặp nhiều trở ngại.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển, theo Đại tá Trần Văn Nam, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ trong đất liền đối với các tàu cá của ngư dân cải hoán nhằm mục đích buôn lậu xăng, dầu, không để xăng dầu nhập lậu vào nội địa.

Phan Đức
.
.
.