Agribank tái cơ cấu thành công, chất lượng tín dụng tăng
- Agribank liên tiếp đạt giải chất lượng dịch vụ
- Thanh toán tiền điện qua hệ thống Agribank: Tiện lợi, an toàn và nhanh chóng
- Agribank - những chương trình thiết thực vì cộng đồng
Ngày 15-11-2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015. Nhiệm vụ chính đặt ra đối với Agribank khi thực hiện Đề án này đó là:
Thứ nhất, tập trung đầu tư cho “Tam nông”, bởi với tên gọi cũng như nhiệm vụ mà Agribank được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN giao phó đó là “mặt trận” nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo đó, mục tiêu đến 2015, cho vay lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tỷ lệ khoảng 80% dư nợ (riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm tỷ lệ tối thiểu 70%).
Thứ hai, tập trung xử lý nợ xấu, giảm về mức tiêu chuẩn, tăng vốn tự có đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động. Thứ ba, thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn. Thứ tư, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại lao động, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiện ích để tăng thu ngoài tín dụng, hướng tới hội nhập…
Nông nghiệp, nông thôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Agribank. |
Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015, đến nay, Agribank cơ bản đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, phương án đã đề ra.
Tính đến 31-7-2016, Agribank tiếp tục là ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với 980.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đạt 882.640 tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt 709.098 tỷ đồng (+12,6%). Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 665.513 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70%, dư nợ hộ sản xuất và cá nhân tăng 9,4%.
Agribank tuân thủ quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Về xử lý nợ xấu, Agribank thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát, xử lý và thu hồi nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu đến 31-7-2016 về mức 2,28% (mục tiêu đề án tái cơ cấu đặt ra dưới 3%).
Về phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích, tổng thu dịch vụ của Agribank tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2015, vượt mục tiêu Đề án tái cơ cấu đề ra là tăng tối thiểu 12%/năm; tỷ lệ thu ngoài tín dụng đạt 11,25%.
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức tại Trụ sở chính, các chi nhánh và màng lưới kinh doanh được sắp xếp lại, phù hợp với mô hình và điều kiện hoạt động kinh doanh của Agribank trên cả địa bàn thành thị và nông thôn, song hành với đó là chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sắp xếp lại lao động.
Hệ thống công nghệ thông tin được nâng cấp và hoàn thiện, hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng có hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Agribank cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020.
Về nâng cao năng lực tài chính, Agribank đã làm việc và đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung 1.110 tỷ đồng vốn điều lệ (phần vốn chưa được cấp đủ theo Quyết định 3000/QĐ-BTC), đồng thời xây dựng và hoàn thiện Phương án nâng cao năng lực tài chính giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN, hướng tới chuẩn mực về vốn theo Basel II...
Agribank đã thay đổi toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách về tín dụng. Hàng loạt văn bản về quy trình, quy chế được ban hành mới và triển khai tập huấn đến tận cán bộ cơ sở, đồng thời triển khai hoàn thiện cơ chế quản trị nội bộ để khuyến khích tăng năng suất lao động, đổi mới phong cách phục vụ…
Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng, những người đã đặt niềm tin và cùng đồng hành với Agribank trong suốt chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển.
Đạt được kết quả nêu trên, Đảng ủy Agribank đã chủ động, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện Đề án tái cơ cấu; Hội đồng thành viên Agribank ban hành Nghị quyết xây dựng các phương án chi tiết, phân công cụ thể trách nhiệm, lộ trình xây dựng, trình NHNN phê duyệt và triển khai thực hiện các phương án thành phần theo Quyết định số 53/QĐ-NHNN; ban hành Nghị quyết số 68A/NQ-HĐTV về một số giải pháp trọng tâm để tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013-2015; thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, NHNN và trong các kỳ họp Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết công tác hàng năm…
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Agribank là đơn vị luôn đi đầu phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng thông qua triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội từ thiện, góp phần tích cực cùng Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đảm bảo an sinh xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước, hằng năm Agribank dành hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động này, trong đó kinh phí chủ yếu được Agribank ưu tiên dành cho các hoạt động an sinh lĩnh vực y tế, giáo dục, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...