Agribank đồng hành xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:43
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 1.976 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến hết tháng 6-2016), chiếm khoảng 20,5% tổng số xã. 24 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 42,38% số xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, coi phục vụ nông nghiệp nông thôn là sứ mệnh cao cả của Đảng, Nhà nước giao cho, trong những năm qua Agribank luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng trọng điểm, các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng trên 70% dư nợ cho vay nền kinh tế và trên 50% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn ngành ngân hàng.

Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm thực hiện (2011-2015), Agribank đã triển khai tại 9.000 xã trên toàn quốc với trên 2,5 triệu khách hàng, dư nợ đạt 280 nghìn tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chương trình trong giai đoạn 2011-2015.

“Dấu chân” Agribank trong công cuộc xây dựng nông thôn mới có mặt ở khắp các đại bàn thôn xã từ Bắc chí Nam. Mới đây, 10 xã trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đưa huyện Thống Nhất trở thành huyện nông thôn mới được Chính phủ công nhận.

Có được thành công này phải kể đến sự góp sức không nhỏ của Agribank Thống Nhất. Xác định đây là huyện thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 60%. Agribank Thống Nhất định hướng lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu kinh doanh.

Theo đó vốn tín dụng ngân hàng nông nghiệp đã từng bước chuyển hướng mạnh đầu tư vào các lãnh vực như cho vay phát triển các loại hình kinh tế: trang trại, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi, phát triển nguồn nguyên liệu… và cho vay phục vụ trực tiếp các nhu cầu sinh hoạt như cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng. Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn, Agribank Thống Nhất đạt doanh số cho vay với 19.972 món, số tiền là 2.501.468 triệu đồng, tỷ trọng dư nợ trong lĩnh vực này đã tăng trưởng cao 36,58%.

Tại một huyện miền núi Phía Bắc, Agribank Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đặc biệt chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tạo điều kiện trực tiếp cho người dân trên địa bàn về nguồn vốn để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh. Agribank Chiêm Hóa đã cho vay phát triển kinh tế trang trại là 2,5 tỷ đồng cho 10 trang trại; cho vay theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh trong đó cho vay phát triển cây cam là gần 1 tỷ đồng; cây mía là 55 triệu đồng; cho vay nuôi cá gần 1 tỷ đồng; cho vay nuôi trâu hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, người dân trên địa bàn huyện đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa với quy mô ngày càng lớn gắn với thị trường.

Cũng từ nguồn vốn được vay, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi, trồng trọt, làm các nghề thủ công, dịch vụ nông lâm nghiệp… góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản đặc sản có thương hiệu như lạc, rượu chuối Kim Bình, đẩy mạnh phát triển vùng mía nguyên liệu, phát triển chăn nuôi trâu, cá…

Trong khi đó, năm 2009, sau 3 năm vay vốn của Agribank Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đầu tư nuôi lợn và thả cá trên diện tích hơn 9ha đất đấu thầu của xã, thấy làm ăn có lãi, gia đình anh Bùi Văn Cảnh, xã Thượng Trưng đã lập hồ sơ vay 4,5 tỷ đồng vốn của Ngân hàng để đầu tư mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng đa dạng, hiện đại. Hiện trong chuồng đang có trên 1.000 lợn thương phẩm, 200 lợn nái sinh sản, hàng trăm lợn con được chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật hiện đại.

Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Cảnh thu lãi hàng tỷ đồng. Gia đình anh Cảnh chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện đã có cuộc sống mới thay đổi nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Tính đến hết tháng 6-2016, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng đạt gần 850 tỷ đồng, tăng trên 240 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 826 tỷ đồng, tăng gần 190 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 90% tổng dư nợ…

Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, muối… Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn – là lĩnh vực có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Agribank đặt mục tiêu trở thành NHTM hàng đầu Việt Nam, tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đa dạng, giữ vững vị thế Ngân hàng thương mại – Định chế tài chính lớn nhất Việt Nam, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế đất nước.

PV
.
.
.