Agribank cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thông qua mô hình Tổ vay vốn

Thứ Ba, 02/10/2018, 09:12
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, phần lớn dân số thu nhập còn thấp, do đó, việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô là một trong những giải pháp tích cựu để hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống.

Hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (được thành lập trên cơ sở đề xuất của Agribank năm 1995 về thành lập ngân hàng phục vụ người nghèo và được tách ra từ Agribank), Quỹ Hỗ trợ nông dân (trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Agribank là một trong những kênh chính thức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô. 

Với mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo… và tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, cũng như huy động vốn linh hoạt, ưu tiên chuyển tải vốn từ địa bàn thành thị về nông thôn, Agribank đã mở rộng hoạt động tài chính vi mô trên toàn quốc với hơn 3 triệu khách hàng cá nhân vay vốn, và hơn 5 triệu khách hàng gửi tiết kiệm.

Mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh… 

Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Hoạt động tài chính vi mô của Agribank góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Để thực hiện tốt mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai hiệu quả mô hình Tổ vay vốn, Agribank triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua Tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương trên cả nước. 

Với hàng loạt văn bản chỉ đạo xuyên suốt trong hơn 18 năm xây dựng và phát triển hệ thống Tổ vay vốn đã cho thấy sự quan tâm của Agribank đối với việc xây dựng mô hình này, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tới người dân ở khắp vùng miền, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. 

Thống kê số liệu tổng hợp cho vay tổ vay vốn từ năm 2010 đến 2017 của Agribank cho thấy, dư nợ đều tăng dần qua các năm. Năm 2013, đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội, từ 17.333 tỷ đồng năm 2012 lên 33.777 tỷ đồng năm 2013, đánh dấu sự tham gia tích cực của các tổ chức hội khác, ngoài Hội Phụ nữ và Hội Nông dân, các chi nhánh đẩy mạnh việc cho vay qua các hội khác như các tổ do UBND xã quản lý, tổ do công đoàn quản lý và các tổ chức, đoàn thể khác. 

Từ năm 2013 đến nay, dư nợ qua Tổ vay vốn tăng trưởng mạnh qua các năm, thấp nhất là năm 2014, tăng trưởng 17,7% so với năm 2013, năm 2015, mức tăng trưởng là 29,1%, các năm tiếp theo tăng trưởng trên 30%. Đến 31-12-2017, Agribank đã triển khai cho vay qua 52.380 tổ vay vốn với 1.261.847 thành viên trên địa bàn 75 chi nhánh. 

Dư nợ bình quân trên 1 thành viên và dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn tăng đều qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2014-2017, dư nợ bình quân trên 1 thành viên từ 42 triệu đồng lên hơn 50 triệu đồng năm 2015 và đạt 72 triệu đồng năm 2017, dư nợ bình quân trên 1 tổ vay vốn từ 998 triệu đồng năm 2014 lên 1.171 triệu đồng năm 2015 và đạt 1.734 triệu đồng năm 2017, tăng trưởng 21% so với năm 2016.

Tổ vay vốn được tổ chức qua các tổ chức hội, các tổ trưởng là thành viên có uy tín trong các tổ hội, thường nắm rõ về gia cảnh của các hội viên, nên có thể giúp ngân hàng lựa chọn được những khách hàng tốt, và có thể chăm sóc được tốt hơn với những khách hàng ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vay vốn một cách thuận tiện hơn. 

Khách hàng được hướng dẫn tư vấn về thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ có thể học hỏi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả của mô hình Tổ vay vốn là sự tích cực tham gia của các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. 

Cùng với các tổ chức hội, mô hình Tổ vay vốn đã giúp các hội viên có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định đời sống, đồng thời, thông qua mô hình Tổ vay vốn kết hợp với Hội Phụ nữ phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới. 

Mô hình cho vay qua Tổ vay vốn với sự phối hợp của Hội Phụ nữ đã tạo nên những hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội, trở thành một kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng hữu ích, giúp phụ nữ cơ sở có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, được tư vấn hỗ trợ về quy trình thủ tục vay vốn, qua đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. 

Với việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với phong trào giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, Agribank đã cùng Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động tích cực các tổ viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm tại địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả…

PV
.
.
.