ASEAN số: Đi tìm câu trả lời bền vững và bao trùm

Thứ Sáu, 13/11/2020, 18:32
Bốn phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020) ngày 13/11 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia ASEAN đã cung cấp cái nhìn đa chiều về triển vọng kinh tế và đầu tư ASEAN, cũng như các kịch bản về công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực.  

Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020), sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, đã diễn ra ngày 13/11. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức có chủ đề “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”.

Năm nay, sau 10 năm, Việt Nam một lần nữa vinh dự tổ chức hội nghị. Bốn phiên thảo luận của hội nghị xoay quanh các nội dung về triển vọng kinh tế ASEAN; Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; Phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm và Xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG).

Các đại biểu tại hội nghị.

Triển vọng kinh tế ASEAN đã thay đổi?

Tại phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN, ông Anger Gurria - Tổng Thư ký OECD cho biết, thế giới đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất, nhấn mạnh OECD đang làm việc chặt chẽ với ASEAN để giảm thiểu tối đa hậu quả của cuộc khủng hoảng này. 

Đồng tình với nhận định trên, Tiến sĩ Aladdin D. Rillo - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN cho biết, sau 9 tháng bùng phát COVID-19, khu vực ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều điều bất trắc. Từ đó, ông đề xuất 4 ưu tiên quan trọng, theo đó nhấn mạnh sự hợp tác trong khu vực, mở cửa nền kinh tế một cách thận trọng và đầu tư mạnh mẽ vào con người, kỹ thuật số.

GS Hidetoshi Nishimura – Chủ tịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định, ông ấn tượng về khả năng phòng, chống dịch COVID của ASEAN cũng như của Việt Nam. Với suy nghĩ tích cực, ông nhìn nhận, Theo đó, COVID-19 cũng là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.

Kinh tế xanh hay kinh tế số?

Tại phiên thảo luận về tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN, ông Christophe Bahuet – Phó Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng xu thế chung của ASEAN vẫn là tăng trưởng. 

Các đại biểu trao đổi, thảo luận theo hình thức trực tuyến.

Ông Christophe Bahuet cũng cho rằng việc phát triển kinh tế hậu COVID-19 tại ASEAN cần thêm nhiều vai trò tham gia của các chính phủ, trong đó lưu ý vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, bình đẳng trong thu nhập và tính minh bạch trong pháp lý. 

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin cho rằng, để vượt qua COVID-19, các chính sách mà ASEAN đưa ra cần phải bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi mảng của nền kinh tế đều có được sức chống chịu cao, thậm chí khai phá mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế.

Chính phủ Malaysia cũng cam kết tạo điều kiện cùng các bên liên quan trong đó có cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu, nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp.

Cách mạng số là xu thế tất yếu

Trong khi đó, tại phiên thảo luận về công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá, ASEAN chưa khai thác triệt để được tiềm năng kinh tế số, khoảng cách số giữa các quốc gia thành viên vẫn đang khá xa. 

Từ đó, ông nhấn mạnh, cần thúc đẩy quá trình cách mạng số mang tính chất bao trùm, phát triển hạ tầng số song song với hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công cuộc chuyển đổi số, để không ai bị bỏ lại phía sau. 

"Chúng tôi khuyến khích tài khoá cho các ngành nghiên cứu và triển khai công nghệ. Đồng thời tăng cường hợp lực, chung tay gỡ bỏ rào cản với công nghệ số, tạo sự chắc chắn về quy trình, quy định cho thương mại số, kinh tế số", ông nói.

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nhất trí với quan điểm này, bà Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại quốc tế, Vương quốc Anh nhấn mạnh sự xuất hiện của công nghệ đã góp phần đem lại số công việc khổng lồ tại ASEAN. 

Bà Elizabeth Truss đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong thị trường kinh tế số đang ngày một năng động này, với mục tiêu bảo vệ các quốc gia sau “cú sốc” COVID-19.

Chuyển đổi để hợp tác và phát triển thành công

Còn tại phiên thảo luận cuối cùng về ASEAN tự cường, phát triển bền vững và bao trùm, các chuyên gia đã cùng trả lời câu hỏi làm thế nào để việc kinh doanh có thể đạt lợi nhuận và bền vững trong giai đoạn thử thách này cũng như hướng đi mà ASEAN nên lựa chọn để duy trì vị thế và vai trò trung tâm.

Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu nhấn mạnh mong muốn ASEAN và các nước EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ hỗ trợ nâng cao năng lực, ứng phó đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế tại các quốc gia trong khu vực. 

“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực từ tháng 8 cũng là một trong những cầu nối giúp thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai bên”, ông Charles Michel khẳng định.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thì tin tưởng, COVID-19 đang cho ASEAN cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, mở ra trang mới cho phát triển thành công. Đồng thời ông chia sẻ, để không ai bị bỏ lại trong sự phát triển này, Thái Lan tập trung vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế hoàn dựa trên triết lý tính đầy đủ trong kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BIS) là diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, nơi hội tụ các lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định, tư vấn chính sách và các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực. 
H.C - A.N
.
.
.