Xóa “điểm nghẽn” trong cấp sổ đỏ để thu hút đầu tư bất động sản

Thứ Hai, 05/03/2018, 09:41
Bà Hoàng Hà, Phó Giám đốc bộ phận Kinh doanh Quốc tế của Công ty Savills tại TP Hồ Chí Minh nhận định, với con số đạt khoảng 5,2 tỉ USD chuyển về thành phố, kiều hối được xem như nguồn vốn một chiều với nhiều lợi thế đầu tư tự do. Tỉ lệ kiều hối đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) đạt khoảng 21-22%, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Cùng với kiều hối cộng đồng hàng triệu người Việt sinh sống tại Mỹ, châu Âu hoặc các quốc gia châu Á có nhu cầu mua nhà để an cư, làm việc hay đầu tư về nước là rất lớn.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước mới có 549 “sổ đỏ” nhà ở cấp cho người nước ngoài; trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng xác định cũng mới chỉ có 15 người nước ngoài được cấp “sổ đỏ” khi mua nhà và hiện tại, con số này vẫn không tăng thêm được bao nhiêu. Trong khi đó, theo ước tính của Hiệp hội BĐS, chỉ riêng với người nước ngoài đã có khoảng 1.000 trường hợp mua nhà tại thành phố.

Thực tế con số này còn cao hơn khi tại nhiều dự án căn hộ cao cấp trên địa bàn, số lượng người nước ngoài và kiều bào mua nhà rất cao. Nhưng do khó khăn, vướng mắc trong cấp sổ hồng, việc mua bán nhà đã được chủ dự án và người mua “lách” bằng cách ký hợp đồng thuê căn hộ 45-50 năm, trả tiền một lần. Với kiều bào, do không thể đứng tên, từ lâu việc mua nhà thông qua người thân trong nước cũng đã phổ biến nhưng cơ quan quản lý không thể nắm hết; chỉ đến khi phát sinh tranh chấp về sở hữu, người mua nhà là kiều bào mới lộ diện.

Từ đó, Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, đây là vấn đề cấp bách cần sớm được giải quyết để gỡ vướng trong việc cấp sổ đỏ cho các đối tượng trên cũng như nhằm khơi thông “điểm nghẽn” về nhu cầu mua nhà của kiều bào và người nước ngoài.

Những khu nhà đang chờ sổ đỏ.

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố cho rằng, điều kiện đầu tiên là những người còn dùng hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu này phải còn giá trị và phải có dấu nhập cảnh về Việt Nam; những người chỉ có hộ chiếu nước ngoài, thì cần phải có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt. Chỉ khi có đủ các điều kiện trên, bà con kiều bào mới được cấp sổ khi mua nhà.

Điều kiện tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch; nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do vậy, khó nhất trong thủ tục sở hữu nhà đối với kiều bào vẫn là vấn đề xác nhận gốc Việt.

Để gỡ vướng trong vấn đề này, Hiệp hội BĐS thành phố đã kiến nghị, chỉ cần trên hộ chiếu, chứng thư ghi nơi sinh ở Việt Nam hoặc xuất thân là người Việt là được công nhận. Hoặc cũng có thể giao cho tòa án dân sự ra bản án để chứng minh nhân thân của kiều bào. Ngoài ra, việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cũng không hề đơn giản, do phải tuân thủ theo một loạt quy định, còn nếu muốn vay tiền từ ngân hàng, kiều bào hoặc người nước ngoài phải thực hiện thêm một loạt thủ tục khác.

Thực trạng này dẫn tới con số kiều bào và người nước ngoài mua nhà rất lớn, nhưng số đã được cấp sổ đỏ và con số cơ quan quản lý nhà nước nắm được là không lớn.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư của Savills Việt Nam, trong ba năm trở lại đây, thị trường BĐS đánh dấu sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… hoạt động đầu tư  diễn ra rất sôi nổi ở phân khúc nhà ở thông qua việc liên kết, hợp tác với các DN BĐS trong nước.

Còn theo Hiệp hội BĐS thành phố, hiện Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của cả nước và ở TP Hồ Chí Minh, kể cả trong lĩnh vực BĐS. Việc đa dạng hóa căn hộ theo tiêu chuẩn cao cấp của nước ngoài, nhất là với loại hình căn hộ dịch vụ hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra làn sóng mua nhà mạnh mẽ từ kiều bào và người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố.

Song để có thể đẩy mạnh hiệu quả, Hiệp hội BĐS thành phố đã nhiều lần kiến nghị rằng, Luật nhà ở đã cho phép kiều bào, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Nhưng Luật Đất đai chưa quy định chủ thể sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" nên cần bổ sung chủ thể "cá nhân nước ngoài" là người sử dụng đất với thời hạn tối đa không quá 50 năm.

Đồng thời, sớm quy định rõ tính pháp lý cho loại hình căn hộ khách sạn - condotel để thu hút kiều bào, người nước ngoài đầu tư vào loại hình BĐS nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh này.

Đ.Thắng
.
.
.