Tìm giải pháp phát triển năng lượng bền vững

Thứ Sáu, 14/06/2019, 08:24
Tại cuộc tọa đàm “Giải pháp phát triển năng lượng bền vững” vừa được tổ chức sáng 12-6, Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng.


Cụ thể, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng là nước xuất khẩu than lớn, đỉnh điểm lên tới 20 triệu tấn than/năm. Nhưng từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và dự kiến sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện đến năm 2020, tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than vào những năm sau đó.

Ông Ngô Đức Lâm, Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 60.000 MW. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế phát triển mạnh như hiện nay, việc bảo đảm an ninh năng lượng theo hướng đủ đã là khó đối với Việt Nam. Bởi khi kinh tế- xã hội phát triển càng mạnh thì nhu cầu về năng lượng phải cao hơn.

Cốt lõi của vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo là vấn đề phải đầu tư cho công nghệ.

Theo đó, muốn bảo đảm kế hoạch năng lượng đến năm 2030 thì Việt Nam sản xuất khoảng 40 triệu tấn than và sẽ phải đi nhập khoảng 80 triệu tấn than. Nhưng Việt Nam chưa có lộ trình nhập than “dài hơi” như vậy. Vì thế, vấn đề an ninh năng lượng khó đảm bảo trong thời gian tới.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho rằng, nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra từ những năm 2020 là vấn đề hiện hữu được Tập đoàn Điện lực thừa nhận. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm: Nguồn điện đưa vào sử dụng theo dự kiến là 4.000-5.000 MW, nhưng nguồn này theo quy hoạch thì chủ yếu là nhiệt điện than.

Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Công Thương, đa phần dự án chậm tiến độ là các dự án nhiệt điện than. Vì sao lại chậm? Trước hết là do không huy động được tài chính, tiếp đó là khó khăn quy hoạch địa điểm, bởi còn có sự đồng thuận của địa phương hay không; cuối cùng là có những dự án đã quy hoạch được địa điểm nhưng vì khó khăn về vấn đề tài chính, thiếu nguồn than nhập khẩu.

Bên cạnh đó, có những nguồn mới là năng lượng tái tạo nhưng không được ưu tiên trong quy hoạch. Như vậy, một loạt nguồn năng lượng tái tạo, tính đến cuối tháng 6 này lên tới 5.000 MW điện mặt trời, nhưng bị vướng về vấn đề truyền tải, về vấn đề hoà lưới. 

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là chúng ta sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện chúng ta sử dụng thiết bị cũ, hao tổn năng lượng quá mức cần thiết. Như vậy, song song với bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, thì khâu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phải đi đầu.

Lưu Hiệp
.
.
.