Thu hồi những dự án ngàn tỷ bị phá sản

Thứ Năm, 11/10/2018, 09:27
Sau nhiều năm giẫm chân tại chỗ, một số dự án đăng ký đầu tư hàng ngàn tỷ đồng ở khu Nam Trung bộ được ví von như “giấc mơ vàng” đã… phá sản.


Trong suốt thời gian dài bị “treo” trên giấy, hàng ngàn hộ gia đình ở các vùng dự án vấp phải khó khăn vì không thể sản xuất ổn định, không được phép xây dựng, nâng cấp và mở rộng nhà ở…

Cụ thể, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu (LHD) Nam Vân Phong (Khánh Hòa) do Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng một số đối tác đăng ký đầu tư từ năm 2008, tổng nguồn vốn 4,4 - 4,8 tỷ USD, công suất thiết kế mỗi năm 10 triệu tấn, dự án đầu tư trên diện tích 300ha đất và 300ha mặt nước biển ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.

Sau 13 năm, dự án Khu du lịch Bình Tiên ở Ninh Thuận chỉ mới xây dựng vài căn nhà thô sơ, cạnh đó vẫn là hàng trăm héc ta đất bỏ hoang.

Cuối năm 2014, Petrolimex ký biên bản hợp tác chiến lược với Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy (JX) và dự kiến tăng vốn, thành lập công ty liên doanh để giữa năm 2015 thực hiện thủ tục đầu tư. Khi JX chính thức trở thành đối tác chiến lược vào năm 2016, Petrolimex công bố thực hiện dự án, mặc dù tổng dự toán đầu tư tăng lên 6 - 7 tỷ USD. Thế nhưng sau 2 năm im lặng, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ ngày 25-9-2018, Chủ tịch Petrolimex – ông Phạm Văn Thanh đã chủ động xin rút dự án.

Cũng “giấc mơ vàng” tỷ đô, dự án Nhà máy lọc hóa dầu (LHD) Vũng Rô do Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, hình thành từ liên doanh Công ty Technostar Management Ltd - Vương quốc Anh và Tập đoàn Dầu khí Telloil - Cộng hòa Liên bang Nga, được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) đầu tư tháng 11-2007.

Suốt 7 năm giẫm chân tại chỗ, đầu tháng 9-2014 chủ đầu tư mới tổ chức động thổ, công bố tổng nguồn vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD, công suất mỗi năm 8 triệu tấn sản phẩm hóa dầu các loại. Ngoài 538ha đất ở hai xã Hòa Tâm và Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, trong đó có 404ha xây dựng nhà máy và 134ha xây dựng cảng Bãi Gốc với công suất thiết kế mỗi năm 17 triệu tấn hàng hóa, dự án Nhà máy LHD Vũng Rô còn sử dụng 1.300 mặt nước biển.

UBND tỉnh Phú Yên đã nỗ lực thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và bàn giao 134ha đất sạch giai đoạn 1 cho Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô giữa tháng 5-2014. Tiếc rằng sau nhiều lần “hoãn binh”, chủ đầu tư vẫn “treo” dự án trên giấy, nên đầu tháng 3-2018, BQL Khu kinh tế Phú Yên quyết định thu hồi giấy CNĐT dự án Nhà máy LHD Vũng Rô.

Tại tỉnh Ninh Thuận, Khu du lịch Bình Tiên ở xã Công Hải, huyện Hàm Thuận Bắc do Công ty CP Đầu tư và du lịch (CP-ĐTDL) Bình Tiên làm chủ đầu tư được ví như “siêu dự án” hứa hẹn góp phần đánh thức tiềm năng du lịch ven biển cực Nam Trung bộ. Dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy CNĐT từ tháng 8-2005 trên diện tích hơn 190ha với tổng nguồn vốn 550 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.579 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao đất sạch, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư triển khai dự án, nhưng sau 13 năm Công ty CP-ĐTDL Bình Tiên chỉ mới xây dựng được vài căn nhà thô sơ rồi… bỏ hoang !

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, sau 12 năm kể từ khi UBND tỉnh Bình Định quyết định chủ trương đầu tư, chủ dự án là Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ chỉ mới lắp đặt ở đó một “căn nhà” bằng… container! 

Dự án này đăng ký nguồn vốn 250 triệu USD, tương đương 4.000 tỷ đồng. Với diện tích 324ha ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp có trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, villa cao cấp… Sau nhiều văn bản thúc nhắc bất thành, ngày 3-5-2018, BQL Khu kinh tế tỉnh Bình Định quyết định chấm dứt hoạt động dự án. 

Trong cuộc đối thoại với chính quyền và người dân xã Cát Hải ngày 25-9-2018, ông Nguyễn Phi Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 1826/VPCP-VI ngày 26-6-2018 của Văn phòng Chính phủ, BQL Khu kinh tế Bình Định và các cơ quan chức trách đang rà soát quy định pháp luật liên quan đến việc chấm dứt hoạt động dự án Khu du lịch Vĩnh Hội để UBND tỉnh Bình Định làm việc với Công ty Việt – Mỹ, sớm trả lời cho người dân xã Cát Hải và giải quyết tái định cư khi chủ đầu tư có kế hoạch tiếp tục triển khai dự án hợp lý.

Ngoài những dự án ngàn tỷ nêu trên, trong thời gian gần đây trên địa bàn Nam Trung bộ còn có hàng chục dự án trăm tỷ đã bị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy CNĐT, chấm dứt hoạt động đầu tư mà nguyên nhân hầu hết là do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, không tìm được đối tác liên doanh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đã đến lúc các địa phương cần cẩn trọng tìm hiểu, lựa chọn nhà đầu tư thật sự có tâm huyết và năng lực tài chính, đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án “treo” để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của người dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Hữu Toàn
.
.
.