Thị trường nhà đất tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong 2018

Chủ Nhật, 31/12/2017, 09:51
Thị trường bất động sản vẫn trên đà tăng trưởng, riêng nguồn thu ngân sách từ đất năm 2017 tại TP HCM đã đạt hơn 15.660 tỷ đồng. Các dự án nhà ở do DN đầu tư đang có xu thế ngày càng tăng lên, trong đó có những dự án quy mô rất lớn.

Nhận định về thị trường năm 2017, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017 tại thành phố tiếp tục có 2.529 doanh nghiệp (DN) BĐS được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 266.866 tỷ đồng chiếm gần 45% tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới; nâng tổng số DN BĐS của thành phố lên con số 6.939 DN. 

Trong số 5,2 tỷ USD kiều hối chuyển về thành phố trong năm, cũng đã có 22% được đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ cũng đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho thị trường BĐS khi nhiều DN, tập đoàn BĐS lớn đã lên sàn... 

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TP Hồ Chí Minh năm 2017 đạt mức 5,81 tỷ USD, thì riêng lĩnh vực BĐS đã chiếm gần 33% lượng vốn này, đứng thứ 2 trong các lĩnh vực hút vốn đầu tư FDI.

Năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam và TP Hồ Chí Minh, kể cả trong lĩnh vực BĐS. Khi đã bước vào những ngày cuối cùng của năm, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản đã ký hợp tác chiến lược với Công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Khang để liên doanh thực hiện dự án nhà ở theo tiêu chuẩn “công trình xanh”. 

Theo đó, ngay trong tháng 1-2018 Mitsubishi và Phúc Khang sẽ đầu tư ngay 30 triệu USD để thực hiện dự án khu phức hợp Lotus Riveeside tại TP Hồ Chí Minh. 

Ngoài dự án này, công ty liên doanh của 2 DN trên sẽ nghiên cứu đầu tư để phát triển chuỗi dự án nhà ở theo “tiêu chuẩn xanh” của Mỹ tại quỹ đất có sẵn của Phúc Khang đang có giá trị khoảng 500 triệu USD, gồm 20ha ở khu vực trung tâm và 1.000 ha ở vùng ven thành phố. 

Theo ông Tessu Funayama, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Việt Nam, với quyết định liên kết này, TP Hồ Chí Minh là địa phương thứ 3 của Việt Nam mà Mitsubishi thực hiện đầu tư vào lĩnh vực BĐS sau TP Hà Nội và Bình Dương.

Các dự án nhà ở liên tiếp được đưa ra chào bán thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh.

Thị trường BĐS vẫn trên đà tăng trưởng, nên chỉ riêng nguồn thu ngân sách từ đất năm vừa qua tại thành phố đã đạt hơn 15.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 9,5% tổng nguồn thu. Các dự án nhà ở do DN đầu tư đang có xu thế ngày càng tăng lên, trong đó có những dự án quy mô rất lớn. 

Tại thành phố hiện có 29 dự án nhà ở quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến gần 158.000 tỷ đồng, trong đó, có 2 dự án có quy mô trên 50ha và 27 dự án có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng một dự án hoặc có quy mô trên 1.500 căn hộ. 

Công bố mở bán dự án căn hộ Aurora Residences ở bến Bình Đông, quận 8 vào ngày 25-12 vừa qua của DRH Holdings cho thấy, dù dự án chỉ nằm trong diện tích khu đất rộng hơn 4.700m² với 2 block căn hộ có chiều cao 25 tầng; gồm tồng số 445 căn hộ diện tích từ 45 - 76m², 28 căn officetel và một số căn shophouse… nhưng ông Lê Chí Hùng Việt, Phó tổng giám đốc DRH Holdings - chủ đầu tư dự án tự tin cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là 780 tỷ đồng và doanh thu dự kiến sẽ đạt 900 tỷ đồng mà giá bán vẫn thấp hơn các dự án khác trong khu vực khoảng 25% do đã sở hữu được nguồn đất từ khi giá còn rẻ. 

Điều này lý giải tại sao chỉ trong năm nay chủ đầu tư này đã phát triển thành công 2 dự án có quy mô tương tự và các DN BĐS trong nước cùng dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục ồ ạt chảy vào các dự án phát triển nhà ở tại thành phố.

Năm 2017, đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 42.991 căn hộ. Trong đó lượng nhà ở trung bình và bình dân chiếm đến 74%. 

Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, đây là tín hiệu tốt do các nhà đầu tư, các DN khi đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh căn hộ quy mô vừa và nhỏ. 

Trong năm cũng đã có 27 hồ sơ từ các chủ dự án xin dự án được mua bán, chuyển nhượng và đã có 20 dự án đã được thành phố chấp thuận. Việc này đã giúp các chủ đầu tư giải quyết được vấn đề tồn đọng vốn vào dự án dở dang. 

Tuy nhiên, để thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành vào ngày 28-12 vừa qua, Hiệp hội BĐS thành phố dự báo, thị trường BĐS năm 2018 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh. 

Nhưng ngoài việc kiến nghị giải quyết 5 điểm nghẽn cố hữu của thị trường lâu nay, Hiệp hội BĐS thành phố cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như tình trạng sốt giá đất nền tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời. 

Nhưng do khan hiếm nguồn cung nên đất nền đang có dấu hiệu sốt giá trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Mặt khác, khi số lượng căn hộ cao cấp tại thành phố còn chiếm chỉ lệ lên đến 1/4 và các dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đầu tư vào dự án nhà ở cao cấp, thì đến nay mới chỉ có vài chục trường hợp được cấp sổ hồng trong khi thực tế đã có khoảng 1.000 người nước ngoài mua nhà ở tại TP Hồ Chí Minh. Thực trạng này đã làm giảm sức hút khách ngoại mua nhà để giải quyết tình trạng lệch pha giữa cung - cầu của thị trường.

Cũng theo Hiệp hội BĐS thành phố, lãi suất phổ biến đối với DN BĐS hiện còn khoảng 9-11%/năm và tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực này đã giảm nhẹ, hiện chiếm 15,8% tổng dư nợ tín dụng.

Vốn rẻ, nhưng do các ngân hàng đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào BĐS nên DN trong lĩnh vực này vẫn rất khó tiếp cận nguồn tín dụng mới. Về phía chủ dự án, do quy trình, thủ tục xác định, thẩm định tiền sử dụng đất nhiêu khê, kéo dài, nên hiện vẫn còn tới vài chục dự án BĐS phải chờ đợi để được nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Cuối cùng, trước thực trạng số lượng DN BĐS tăng nóng gần đây, Hiệp hội cũng khuyến cáo việc thực hiện chức năng hậu kiểm, nhất là đối với các DN đăng ký kinh doanh có dấu hiệu không bình thường để tránh tình trạng DN công bố vốn ảo nhằm mục đích không lành mạnh.

Đ.Thắng
.
.
.