Những vướng mắc trong giải tỏa chung cư cũ

Thứ Hai, 29/07/2019, 08:50
Mục tiêu TP HCM đặt ra là đến năm 2020 sẽ phá dỡ, xây mới một nửa trong số 565 chung cư cũ đã hết niên hạn, xuống cấp nghiêm trọng.


Trong đó, có khoảng 160 chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp nặng và nhiều chung cư được xếp hạng nguy hiểm. Nhưng đến nay, số lượng chung cư thuộc diện giải tỏa, xây mới được triển khai vẫn quá ít.

Ngay cả những chung cư đã được xếp hạng nguy hiểm sau kiểm định chất lượng cũng chưa hoàn thành việc di dời các hộ dân. Theo danh sách kiểm định chất lượng các chung cư cũ do Sở Xây dựng thành phố thực hiện, có 12 chung cư nằm ở cấp độ nguy hiểm, xếp hạng D; 26 chung cư xếp cấp độ nguy hiểm, xếp hạng C và 29 chung cư nằm trong cấp độ nguy hiểm thuộc hạng B.

Trong số này, địa bàn quận Tân Bình có 8 chung cư cũ được kiểm định thì đã có đến 6 chung cư nằm trong cấp độ nguy hiểm thuộc hạng D. Đến nay, tại một số chung cư đã được triển khai phương án xây mới, việc thương lượng với người dân về chính sách đền bù, tái định cư cũng đang gặp vướng mắc khiến việc triển khai dự án chưa thể thực hiện.

Việc cải tạo chung cư cũ đặt ra cấp bách ở nhiều đô thị lớn.

Tại chung cư 155-157 Bùi Viện, để đảm bảo an toàn cho cư dân, từ cách đây 3 năm UBND quận 1 đã cho kiểm định chất lượng toàn bộ tòa nhà. Kết quả kiểm định khi đó xác định chung cư cao 7 tầng đã phải xếp hạng nguy hiểm ở hạng D do hai khối nhà bị tách nhau; hành lang các tầng đã được trám bằng xi măng để 80 hộ dân sử dụng tạm… nhưng sau thời gian tiếp xúc, vận động, đến giữa tháng 6 vừa qua, UBND phường Phạm Ngũ Lão cùng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 vẫn phải tổ chức tiếp xúc với 35 hộ dân còn ở lại chung cư để làm rõ về việc thực hiện phương án di dời và bố trí tạm cư cho các hộ dân.

Tại buổi tiếp xúc này, dù đại diện chính quyền thông báo dự án đã có DN nộp hồ sơ xin được đầu tư; UBND quận 1 đã trình thành phố xem xét, quyết định, song nhiều người dân vẫn bức xúc do kiến nghị của họ chưa được trả lời thỏa đáng. Yêu cầu được gặp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách đô thị của quận 1 để nghe đại diện chính quyền địa phương cam kết cũng không được đáp ứng. 

Cư dân cho rằng, sau 3 năm kiểm định và xếp hạng D, tòa nhà không biến đổi gì lớn, cần đánh giá lại chất lượng. Nhiều hộ cũng đề nghị địa phương phải nêu rõ phương án tái định cư tại chỗ như vị trí, diện tích cũng như mức hỗ trợ tạm cư hằng tháng, thời gian sẽ được quay về tái định cư tại đây…

Trước đó, tại chung cư ở số 350 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình với 157 hộ dân sinh sống nhưng việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư này đã phải kéo dài đến 6-7 năm. Cụ thể, từ năm 2011, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất tại đây để xây chung cư mới. Nhưng phải chờ đến năm 2013, UBND quận Tân Bình mới có thể ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân.

Việc bồi thường, di dời các hộ dân kéo dài thêm 2 năm tiếp theo, cũng còn đến 27 hộ dân bất chấp nguy hiểm, bám trụ lại chung cư do quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng. Theo UBND quận Tân Bình, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm di dời các hộ dân tại chung cư này lại hết sức đơn giản: Trong 2 năm liền chủ đầu tư không có tiền để chi trả cho cư dân để họ dời đi nơi khác.

Liên quan đến việc chậm triển khai di dời người dân khỏi các chung cư nguy hiểm, cách giải quyết của Sở Xây dựng thành phố thời gian qua cũng thể hiện sự cứng nhắc, khiến nhiều người dân vẫn phải ngày đêm “đánh cược” bằng tính mạng trong các chung cư chờ sập. Việc di dời 38 hộ dân tại lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị lún nghiêng khiến các hộ dân trở tay không kịp.

Nhiều hộ dân bức xúc cho rằng việc kiểm định đã được tiến hành từ tháng 8-2018, nhưng sau đó kết quả bị “ngâm” rất lâu mới thông báo đến người dân; buộc người dân phải di dời trong vòng 24 giờ… Do đó, gỡ vướng để nhanh chóng đưa những cư dân trong các chung cư hỏng nặng thoát cảnh sống chung với “tử thần” vẫn là vấn đề cấp bách đối với TP HCM hiện nay.

Bảo Sơn
.
.
.