Nhức nhối chuyện bồi thường, tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Hé lộ chuyện vẽ thêm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm1
- Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm và chuyện “con voi tham nhũng chui lọt lỗ kim”1
- Đã thấy bản photo bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ráo riết truy tìm bản gốc
Thực tế trên đã cho thấy, chủ trương “Tạo dựng chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ cho những người bị giải tỏa” của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đến được với nhiều người dân ở đây.
Đến nay, trong số những trường hợp bị giải tỏa trắng ở Thủ Thiêm, vẫn còn trên 100 hộ dân khiếu nại kéo dài liên quan đến việc đền bù, giải tỏa nhà đất. Nội dung khiếu nại của những trường hợp này chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề: bị giải tỏa nhà đất nằm ngoài phạm vi ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chính sách bồi thường nhà đất quá thấp, không đủ để mua nổi căn hộ chung cư.
Việc thành phố không giải quyết một cách thỏa đáng, dứt điểm, để xảy ra khiếu kiện đông người kéo dài nhiều năm qua đã dẫn đến nguy cơ gây bất ổn đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương. Một người dân bị giải tỏa trắng ở phường Bình An, quận 2, chia sẻ: “Dù sống ở phường Bình An, nhưng suốt những năm qua nhiều người dân không hề được Bình An!”.
Những dãy nhà tạm cư, nhiều hộ dân bị giải tỏa trắng phải sống trong thời gian dài. |
Có mặt tại khu nhà tạm dành cho người tạm cư ven tuyến đường Lương Định Của, phường Bình An, quận 2, PV được chứng kiến cảnh gia đình bà Huỳnh Thị Hồng Loan với 3 nhân khẩu đã phải chen chúc trong căn nhà tạm, đã xuống cấp nghiêm trọng rộng khoảng 24m² từ hơn 3 năm nay.
Bà Loan cho biết, từ người đang được ở nhà thuê của Nhà nước, sau khi địa phương tiến hành giải tỏa, hộ của bà trở thành trắng tay, phải đi ở nhà thuê. Để được vào khu nhà này ở tạm, bà cũng đã phải mất vài năm đi khiếu nại, khởi kiện chính quyền quận 2 ra tòa và nhờ sự can thiệp của tòa án mới được địa phương bố trí vào đây.
Khu nhà tạm này dù có đến 6 dãy với số lượng khoảng 192 căn hộ tương tự, nhưng hiện số hộ dân bị giải tỏa được bố trí ở tạm vào đây cũng chỉ còn khoảng 20 hộ; số còn lại đã bị người dân phá cửa, vào chiếm dụng để ở, trong đó có cả những thành phần bất hảo nên cuộc sống tạm cư ở đây rất phức tạp.
Trưng ra xấp giấy tờ để chứng minh có nhà bị giải tỏa trắng, bà Loan cho biết, căn nhà bị giải tỏa của gia đình bà là cư xá thuê của Nhà nước bằng hợp đồng xanh với Công ty quản lý và phát triển nhà quận 2, tại địa chỉ b10/8 Lương Định Của, phường Bình An.
Căn nhà này gồm 2 hộ, có diện tích lên tới 173m², do cha của bà là ông Huỳnh Văn Tư đứng tên trên hợp đồng thuê nhà; các thành viên trong hợp đồng thuê nhà được ghi rõ tên của bà cùng 4 thành viên khác. Do căn nhà này là 2 căn hộ riêng biệt, nên ngay từ năm 1996, hộ của bà Loan đã được cấp sổ hộ khẩu gia đình tại đây và từ năm 2005 đã được địa phương cấp số nhà; các hợp đồng mắc điện, điện thoại…
Không chỉ có vậy, trong một quyết định của Chủ tịch UBND phường Bình An vào tháng 9-2009, hộ của bà Loan còn được công nhận là hộ nghèo ở địa phương.
Nhưng khi quận 2 ra quyết định thu hồi, rồi tính toán tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư với căn nhà có 2 hộ này vào năm 2009, địa phương đã không đoái hoài gì đến hộ của bà cùng người anh đứng tên chung trong hợp đồng thuê nhà mà chỉ bồi thường cho cha bà là ông Huỳnh Văn Tư.
Đang từ người có căn hộ riêng biệt bỗng trắng tay, bị đẩy ra đường vạ vật, bà Loan đã phải kêu cứu đến các cơ quan có trách nhiệm của quận 2. Đến nay bà Loan vẫn phải sống trong căn hộ tạm cư để tìm kế mưu sinh và tiếp tục hành trình khiếu nại.
Bị UBND quận 2 ra quyết định thu hồi đất trong khu vực dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm từ năm 2010, hành trình khiếu kiện của bà Lê Thị Bảy, ngụ ở phường An Lợi Đông với chính quyền địa phương cũng bắt đầu kể từ đó đến nay. Bà Bảy cho biết, lý do dẫn đến việc bà phải khiếu nại rồi khởi kiện UBND quận 2 ra tòa là bởi các căn cứ pháp lý để quận 2 ra quyết định thu hồi đất không còn hiệu lực.
Cụ thể, quyết định thu hồi đất với hộ của bà được quận 2 ban hành vào năm 2010, nhưng lại được căn cứ vào luật đất đai năm 1998 và các văn bản dưới luật đã hết hiệu lực thi hành, đã được thay thế bằng những văn bản pháp luật khác.
Tại bản án phúc thẩm hành chính ngày 28-9-2012, TAND thành phố đã xác định khu đất của gia đình bà Bảy có diện tích 340m² ở phường An Lợi Đông được cha mẹ bà chia cho để ở, trên đất đã có nhà, phần đất này đã được kê khai từ năm 1999.
Theo văn bản của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hồ sơ kỹ thuật thửa đất được lập vào năm 2003 thuộc đất loại T - ký hiệu loại đất theo quy định trong Thông tư được ban hành vào năm 2001 của Tổng cục Địa chính là đất ở. Còn theo Chỉ thị số 229 của Thủ tướng Chính phủ, tòa xác định diện tích đất của bà Bảy có 108m² là đất thổ tập trung (ký hiệu là T) phần còn lại là đất nông nghiệp.
Tòa cũng xác định, quyết định thu hồi đất của UBND quận 2 đối với bà Bảy là không đúng bởi lý do quyết định này thu hồi đất chung chung, không có ranh giới cắm mốc và không có tên hộ bà Lê Thị Bảy.
Quyết định thu hồi đất của UBND quận 2 căn cứ vào Quyết định số 1997 ngày 10-5-2002 của UBND Thành phố, nhưng Quyết định 1997 của UBND Thành phố lại căn cứ vào Luật Đất đai năm 1993 và Luật sửa đổi Luật đất đai năm 1998 đã được thay thế bởi Luật đất đai năm 2003.
Đồng thời, quyết định thu hồi đất này được căn cứ vào Quyết định ngày 26-2-2003 của UBND Thành phố về việc phê duyệt đơn giá đất để tính đền bù, hỗ trợ thiệt hại trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khi đó, quyết định của UBND Thành phố lại được dựa trên Nghị định số 87 ngày 17-8-1994; Nghị định số 04 ngày 11-2-2000; Nghị số 66 ngày 28-9-2001 của Chính phủ đã không còn hiệu lực do đã được thay thế bởi Nghị định số 188 ngày 16-4-2004… áp dụng văn bản đã hết hiệu lực để đền bù, thu hồi đất nên với 340m² đất có căn nhà cả trăm m², nhưng hộ bà Bảy chỉ được nhận bồi thường với giá đất nông nghiệp ở mức 200 ngàn đồng/m²; tổng giá trị bồi thường cho nhà và đất cùng cây trồng, vật nuôi của hộ bà bảy chỉ có hơn 200 triệu đồng nên từ đó đến nay bà không đồng ý.
Nhà đã bị cưỡng chế, tiền bồi thường không đủ mua lại vài mét vuông đất nên gia đình bà Bảy phải đi ở nhà thuê từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn.
May mắn hơn 2 trường hợp trên, sau khi bị giải tỏa trắng, hộ của bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi được bố trí tạm cư tại chung cư An Phúc, quận 2. Nhưng 2 lô đất ở, trên đất có nhà với diện tích khá rộng của bà cũng chỉ được áp giá đền bù theo giá đất nông nghiệp với mức 200 ngàn đồng/m².
Từ khi phải tạm bàn giao nhà đất để nhận căn hộ tạm cư đến nay, 13 năm qua bà Mỹ đã liên tục khiếu nại quận 2 và UBND TP Hồ Chí Minh nhưng không có bất kỳ một văn bản giải quyết khiếu nại nào của quận 2 được ban hành để làm rõ 3 nội dung khiếu nại. Để giải quyết dứt điểm việc này, thông qua tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND, bà Mỹ đã nhiều lần đề nghị được Chủ tịch UBND Thành phố tiếp công dân nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.