Nghịch lý không cấp phép nhưng nhà cao tầng vẫn mọc khu trung tâm

Thứ Hai, 09/10/2017, 09:29
Để kéo giảm tình trạng kẹt xe khu vực trung tâm, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương không cấp phép xây cao ốc ở những nơi tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Tuy nhiên, quy định này dường như chỉ có tác dụng ở vùng ven, những nơi ít xảy ra kẹt xe; còn khu vực trung tâm, dự án nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên.

Theo thông tin từ Sở GTVT thành phố, với 59 tòa nhà cao tầng nằm dọc các tuyến đường ở khu vực trung tâm đều có từ 1-5 tầng hầm để xe để phục vụ nhu cầu gửi xe của người ra vào các tòa nhà hàng ngày với tổng diện tích sàn bãi xe 205.549m². Trong số này đã có đến 13 tòa nhà được sử dụng phức hợp có từ 3-5 sàn đầu xe. 

Ngoài ra còn có 46 tòa nhà cao tầng nằm dọc các tuyến đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… có diện tích hầm đậu xe nhỏ hơn nhưng sức chứa cả ngàn ôtô, xe máy. Chỉ cần dành ra 20% diện tích đậu xe của các tòa nhà cao tầng này để phục vụ trông giữ xe công cộng đã có thể giữ được 1.323 xe ôtô và 2.749 xe máy. 

Điều này cho thấy, số lượng ôtô, xe máy ra vào các tòa nhà cao tầng ở mặt đường các tuyến chính trong khu vực trung tâm hàng ngày là rất lớn. Đặc biệt là khi các tòa nhà cao ốc trung tâm thương mại, khách sạn thường xuyên kín lịch tổ chức hội nghị, sự kiện thu hút đông người. 

Nhà cao tầng dày đặc ở khu vực trung tâm.

Cách đây 10 năm, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch 20 ô phố ở khu vực trung tâm với tổng điện tích khoảng 50ha ở những vị trí đất “vàng” để kêu gọi nhà đầu tư phát triển dự án ở cao ốc phức hợp, khách sạn, trung tâm thương mại… với quy mô lớn. 

Cụ thể, khu đất rộng 3.000m² tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, địa điểm hoạt động kinh doanh của Công ty Xổ số kiến thiết thành phố hiện cũng đã có chủ; khu tứ giác Bến Thành, nằm đối diện chợ Bến Thành cũng sắp trở thành khu phức hợp thương mại cao cấp The One; khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh với diện tích rộng 600.000m² cũng đã có chủ trương đầu tư dự án khu thương mại, văn phòng và khu căn hộ cao cấp; khu đất rộng gần 7.000m² trên đường Hai Bà Trưng cũng đang được đầu tư thành một một cao ốc văn phòng kết hợp thương mại. 

Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, quận 1 với 3 mặt tiền Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học có diện tích 13.110m² cũng sắp được đổi thành dự án cao tầng. 

Đến thời điểm này mới chỉ có vài dự án trong số 20 ô phố trung tâm trên được triển khai, do đó những năm sắp tới tại các ô phố “vàng” trên sẽ còn tiếp tục mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng, thu hút rất đông người đến hàng ngày.

Cũng từ cách đây hơn 10 năm, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, cảng biển từ khu vực trung tâm hoặc nội thành ra vùng ven với lý do để kìm chế tình trạng kẹt xe cho khu vực trung tâm và các quận nội thành bởi các cơ sở này là nơi thu hút đông người, phương tiện. 

Song, đi ngược lại chủ trương trên, ngoài chuyện quy hoạch 20 ô phố trung tâm để phát triển cao ốc, những khu đất trống do các cơ sở di dời sẽ lại tiếp tục mọc lên các dự án phát triển nhà cao tầng. Chẳng hạn, hiện mặt bằng của nhà máy đóng tàu Bason đã được thay thế bằng một khu thương mại cao tầng và tới đây, sau khi cảng Sài Gòn di dời, khu vực này cũng sẽ trở thành khu phức hợp sầm uất với nhiều tòa nhà chọc trời.

Do đó, khu vực trung tâm và những quận nội thành cũ của thành phố sẽ còn thu hút rất đông người tập trung về hàng ngày để làm việc, giao dịch. Thực trạng quy hoạch kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này sẽ còn khiến TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục loay hoay ứng phó với chuyện kẹt xe, ngập nước do quá tải hạ tầng đô thị trong nhiều năm nữa.  

Bảo Sơn
.
.
.