Lãng phí 12.000 căn hộ tái định cư bị bỏ không nhiều năm
- Lãng phí nghiêm trọng khi hàng ngàn căn hộ tái định cư xây xong để hoang
- Hà Nội đặt hàng hơn 17.600 căn hộ tái định cư
- Hà Nội sẽ có thêm 2.700 căn hộ tái định cư, nhà ở xã hội
Theo kế hoạch phát triển và quản lý nhà phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị và công ích, giai đoạn 2016-2018 thành phố đã đầu tư xây dựng và mua đến 41.050 căn nhà, nền đất từ các chương trình phát triển nhà ở tái định cư. Trong đó, đầu tư bằng vốn ngân sách đạt 15.357 căn hộ và nền đất tại tại 68 dự án, chiếm tỉ lệ 37% nhu cầu tái định cư của người dân.
Dự án tái định cư được thành phố đầu tư lớn nhất là khu tái định cư Vĩnh Lộc B với quy mô 1.939 căn hộ và 529 nền đất. Số còn lại được mua từ đặt hàng đầu tư, mua lại của các dự án thương mại và các dự án theo phương pháp bảo toàn vốn đầu tư cộng 10% lợi nhuận hoặc mua lại theo giá thị trường và hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngay từ năm 2016 thành phố đã có 1.801 căn hộ tái định cư chưa được sử dụng.
Khu căn hộ tái định cư nhưng không có người nhận tại quận 2. |
Đến ngày 31-12-2018, tổng số nhà ở, nền đất tái định cư đã đạt trên 41.000, nhưng các quận, huyện mới bố trí sử dụng được 29.127 căn hộ và nền đất, còn lại 11.923 căn hộ và nền đất chưa được bố trí sử dụng nằm rải rác ở các quận, huyện.
Trong đó quỹ nhà, đất tái định cư còn thừa tập trung nhiều nhất ở quận 2 với số lượng lên đến 5.469 căn hộ và nền đất. Để xử lý số lượng nhà, đất tái định cư bị bỏ không, năm ngoái UBND thành phố đã phải xin Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi vài ngàn căn hộ tái định cư thành nhà ở thương mại để bán đấu giá.
Trong kế hoạch đặt ra thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức bán đấu giá 5.034 căn hộ và 43 nền đất do đây là quỹ nhà đã được xây dựng hoàn thành trên 5 năm nay; các quận, huyện đã nhiều lần giới thiệu nhưng người thuộc diện tái định cư không chấp nhận do vị trí không phù hợp và chất lượng có phần xuống cấp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa căn hộ, nền đất tái định cư rất lớn trên là do giai đoạn trước năm 2010, đa số người dân chọn phương án nhận nhà tái định cư để có hỗ trợ bù giá cao hơn so với việc nhận tiền đền bù.
Nhưng từ năm 2011 trở lại đây, đa số các hộ dân đủ điều kiện nhận căn hộ, nền đất định cư đều chọn phương án nhận tiền đền bù để tự lo nơi ở mới. Chỉ có những hộ không đủ điều kiện nhận bồi thường hoặc được bồi thường nhưng không đủ mua nhà thương mại mới chọn phương thức hỗ trợ nhà ở chính sách để tái định cư.
Nguyên nhân khác, do việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng chủ yếu dựa vào nhu cầu đăng ký của các quận, huyện chưa khả thi; kết quả sử dụng nhà đất tái định cư không hiệu quả; việc thống kê, xác định nhu cầu tái định cư chưa phù hợp với tình hình thực tế; chưa tổ chức điều tra xã hội học ngay từ ban đầu và chưa xác định nhu cầu tái định cư phù hợp với người dân…
Bố trí tái định cư đã khó, song những người được bố trí nhà, đất tái định cư cũng có không ít đã chuyển nhượng suất tái định cư để hưởng tiền chênh lệch do hầu hết số hộ thuộc diện di dời có công việc không ổn định, thuộc diện thu nhập thấp.
Trong khi đó, các đối tượng sang lại nhà tái định cư lại chưa được Nhà nước công nhận về quyền sở hữu nên không thực hiện nghĩa vụ tài chính, khiến việc thu hồi vốn đầu tư dự án tái định cư hết sức khó khăn.
Nhu cầu quỹ nhà, đất tái định cư trong những năm tới còn rất lớn khi thành phố sẽ thực hiện 301 dự án chỉnh trang đô thị và công ích, ảnh hưởng đến 19.100 trường hợp; giai đoạn 2021-2025 TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện 226 dự án chỉnh trang đô thị, công ích với 24.900 trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Nhưng trong lúc quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn trước dư thừa còn rất nhiều, thì dự báo về nhu cầu tái định cư của 44.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án từ nay đến năm 2025, sẽ có 27.200 trường hợp cần tái định cư.
Do đó, trước khi phê duyệt kế hoạch này, UBND TP Hồ Chí Minh cần yêu cầu các quận, huyện rà soát, xác định lại chính xác nhu cầu tái định cư của người dân.