Kiều hối ồ ạt đổ về, bất động sản đối mặt nguy cơ “bong bóng”
- Tiền đổ vào nhà đất, liệu có tái diễn 'bong bóng' bất động sản?
- Không nên lo ngại thị trường căn hộ 'bong bóng' do tăng trưởng nóng
- Kiều hối 2015 khoảng 13 tỷ USD
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD, tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014. Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay, còn xét ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines.
Như vậy, với con số ấn tượng này, kiều hối chuyển về Việt Nam đang tăng mạnh theo từng năm, mỗi năm thêm khoảng 1 tỷ USD. Cụ thể, kiều hối về Việt Nam năm 2012 đạt 10 tỷ USD, năm 2013 là 11 tỷ USD và năm 2014 là 12 tỷ USD. Đáng chú ý, trong tổng số kiều hối về Việt Nam năm 2015, tính riêng lượng kiều hối từ Mỹ đã đạt khoảng 7 tỷ USD.
Cùng với kiều hối, qua thống kê tại Việt Nam cho biết, năm 2015 có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án, tổng vốn 8,6 tỷ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, BĐS, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: “Dòng kiều hối sẽ là điểm sáng của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới năm 2016. Theo đó, lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016”.
Khoảng 3 tỷ USD kiều hối sẽ “chảy” vào BĐS. |
Kiều hối tăng, thực sự là nguồn vốn quý giá đối với nền kinh tế, đặc biệt có ý nghĩa trong công tác cân đối cung cầu ngoại tệ, hạ nhiệt tỷ giá trên thị trường. Cơ quan quản lý cũng cho biết, hơn 70% kiều hối chuyển về chảy vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoảng gần 22% đổ vào BĐS và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa. Điều này cho thấy, việc các khoản tiền kiều hối gửi về với mục đích gửi tiết kiệm hoặc chờ biến động tỷ giá để kiếm lời là rất nhỏ.
Đặc biệt gần đây, với mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất huy động USD đối với các tổ chức cũng như cá nhân về mức 0%/năm. Khi các quyết định này được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tác động mạnh tới lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Song, các công ty kiều hối cho rằng, mức độ tác động không quá lớn.
Tuy nhiên, có 1 điểm cần lưu ý đó là một lượng lớn kiều hối sẽ không chảy vào sản xuất, kinh doanh mà sẽ đổ vào thị trường nhà đất. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử và hiện nền kinh tế vẫn đang “lãnh” hậu quả khi kiều hối nằm “chết” trong BĐS không hề tạo ra sản phẩm, không hề giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại lịch sử vào năm 2006-2007, dù kiều hối không lớn như bây giờ, nhưng có tới 50% trong số đó đã được người dân đầu tư vào BĐS và chứng khoán. Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM thì đây chính là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng “bong bóng” BĐS. Điều này càng đáng nghi ngại hơn khi kênh đầu tư BĐS hồi phục nhờ tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1-7-2015 theo Luật Nhà ở.
Nỗi lo “bong bóng” BĐS không phải là không có cơ sở, vì chưa kể đến kiều hối, thì ngay cả dòng vốn từ các ngân hàng cũng đang chảy mạnh vào lĩnh vực này. Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, dư nợ tín dụng trong BĐS tính đến 30-11-2015 đạt 374.783 tỷ đồng (tương đương hơn 16,6 tỷ USD), tăng 19,91% so với thời điểm 31-12-2014 và tăng 2,8% so với thời điểm 31-10-2015. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất là dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp cho thuê với 126.968 tỷ đồng, tăng 41,03% so với 31-12-2014.
Riêng tại địa bàn Hà Nội, đến 31-12-2015, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS đạt 81.410 tỷ đồng, tăng 13,21% so với 31-12-2014. Với đà phục hồi mạnh mẽ trong năm 2015, các chuyên gia dự báo, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững hơn trong năm 2016. Song, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tín dụng BĐS. Báo cáo vĩ mô quý IV năm 2015 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây đã đưa ra nhận định: “Sự bền vững của thị trường BĐS có thể bị ảnh hưởng nếu chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng”.
Báo cáo của VEPR đánh giá, do những đặc thù về tài sản bảo đảm và khả năng cho vay theo món lớn một cách thuận lợi, các ngân hàng thương mại thường có xu hướng ưu tiên phát triển tín dụng BĐS hơn cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường. Trước thực tế này, VEPR khuyến nghị, cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế.
Từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN - ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, tín dụng năm 2015 tăng khá cao, trong đó một lượng lớn vốn đổ vào kênh BĐS và các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay BĐS, do đó, cần kiểm soát rủi ro chặt chẽ, nếu không sẽ sớm lặp lại tình trạng nợ xấu BĐS gia tăng.
“Năm 2015, NHNN chấp nhận cho tín dụng tăng khá cao để tạo động lực cho nền kinh tế. Nhưng năm 2016 làm như vậy là không ổn. Tín dụng năm nay chỉ tăng 18-20% và NHNN sẽ kiểm soát tín dụng BĐS và tín dụng trung dài hạn”, ông Nguyễn Phước Thanh nói.