Kiên quyết thu hồi để đấu giá khu “đất vàng” tại TP Hồ Chí Minh
- Cần điều tra, xử lý nghiêm vụ chuyển nhượng đất vàng với giá bèo ở TP HCM
- Thu hồi hơn 55 ha “đất vàng” ở những dự án “treo”
- Đấu giá rộng rãi để khai thác lợi thế “đất vàng” khi thanh lý
Về nguồn gốc khu “đất vàng” có vị trí đặc biệt đắc địa này, theo Thanh tra Chính phủ, 2 khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn sau khi được giao cho một số cơ quan, đơn vị tiếp quản, sử dụng, phần đất này được xác lập quyền sở hữu Nhà nước năm 1994 theo quyết định của UBND thành phố.
Sau khi 2 khu đất này được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà tiếp tục ký hợp đồng cho thuê nhà đối với 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương.
Thực hiện phương án sắp xếp mặt bằng nhà đất công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2007, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương sử dụng 2 khu đất này để xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại; giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà thu hồi, quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi chủ trương, phương thức đầu tư và theo đề nghị của Bộ Công thương, tháng 10-2010, TP Hồ Chí Minh đã đồng ý về chủ trương thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án. Trong đó Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà góp 50% vốn, phần còn lại do 4 công ty của Bộ Công thương góp, mỗi doanh nghiệp 12,5%.
Khu đất 3 mặt tiền số 8-12 Lê Duẩn lâu nay được chủ đầu tư rào chắn, cho thuê làm bãi giữ xe ôtô. |
Dù vậy, ngay từ ngày 6-8-2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đã có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà đề nghị được hợp tác thực hiện dự án. Để hỗ trợ Công ty Hoa Tháng Năm thực hiện mục đích trên, ngày 11-8-2010, Công ty Quản lý kinh doanh nhà đã có văn bản đề nghị thành phố cho phép Công ty Hoa Tháng Năm góp 30% vốn trong số 50% vốn góp vào dự án của Công ty Quản lý kinh doanh nhà và được thành phố đồng ý.
Trong khi đó, theo biên bản làm việc với Thanh tra thành phố vào tháng 4-2013, đại diện Công ty Hoa Tháng Năm thừa nhận từ ngày thành lập vào tháng 4-2010 đến khi làm việc với Thanh tra thành phố, doanh nghiệp này chưa hề tham gia đầu tư bất kỳ dự án nào; năng lực tài chính cũng chưa được thẩm định.
Cùng thời điểm trên, 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương cũng đã đồng loạt ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô ngay khi trở thành cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần thực hiện dự án trên.
Tiếp đó, ngày 19-5-2010, 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương lại đồng loạt ký hợp đồng vay vốn của Công ty đầu tư Kinh Đô, mỗi doanh nghiệp vay 12,5 tỷ đồng để góp vốn tương đương 12,5% của mỗi doanh nghiệp vào công ty cổ phần, mà lúc này đã có tên là Lavenue.
Thực hiện bán vốn đã ký, ngày 10-9-2010, các doanh nghiệp này được Sở KH&ĐT thành phố cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 20 ngày sau, 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương đã tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trong Công ty Lavenue cho Công ty đầu tư Kinh Đô với giá trị chuyển nhượng 50 ngàn đồng/cổ phần, mỗi doanh nghiệp thu về 62,5 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ xác định, đến nay Công ty cổ phần Lavenue đã thay đổi đăng ký kinh doanh đến 6 lần, tỷ lệ sở hữu vốn trong đó được xác định là Công ty Quản lý kinh doanh nhà chỉ còn nắm giữ 20% vốn; Công ty Kinh Đô 50% và Công ty Hoa Tháng Năm nắm 30% vốn thực hiện dự án ở 2 khu đất “vàng” trên với tổng vốn là 775 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án, trong năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp ra các quyết định giao đất và cho thuê đất với hình thức sử dụng đất là 50 năm. Trong đó khu đất số 8 Lê Duẩn được giao đất có thu tiền sử dụng đất, còn khu đất số 12 Lê Duẩn được cho thuê dài hạn, trả tiền hàng năm.
Khu đất ở số 8 Lê Duẩn sau đó được thành phố định giá hơn 621 tỷ đồng công thêm 10% VAT trên phần xây dựng là hơn 1,4 tỷ đồng. Giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn cũng được thành phố duyệt đơn giá hơn 3,52 triệu đồng/m2/năm, trả tiền hàng năm và giữ ổn định trong vòng 5 năm.
Với mức giá quá “bèo” này, Công ty CP Lavenue đã lập tức nộp tiền đất vào ngân sách và triển khai thực hiện dự án. Trong quá trình mua bán lòng vòng dự án này, đã có nhiều kết luận thanh tra, thậm chí là cả kết luận điều tra nhưng dự án vẫn tiếp tục được thực hiện một cách chóng vánh.
Cụ thể, kết luận thanh tra ngày 7-8-2013 của Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, xử lý vụ việc như sau: Xem xét, ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn để giao cho Ban Chỉ đạo 09 theo Luật Đất đai 2003; giao Sở TN& MT chấm dứt hợp đồng thuê đất với Công ty CP Lavenue tại số 12 Lê Duẩn và dự thảo quyết định thu hồi 2 khu đất này; giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất việc xem xét trả lại chi phí hợp lý cho Công ty cổ phần Lavenue.
Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với việc sử dụng số tiền chênh lệch của 4 công ty thuộc Bộ Công thương ngày 4-5-2015 cũng đã xác định, sau khi nhận được 50 tỷ đồng, 4 công ty này đã nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp; số còn lại dùng chia cổ tức, đầu tư vào dự án thủy điện hoặc xây dựng trụ sở.
Một báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 25-8-2016 cũng đã xác định TP Hồ Chí Minh có sai phạm khi không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại số 8-12 Lê Duẩn.
Tuy nhiên, giải trình sau đó, TP Hồ Chí Minh nêu ra đủ thứ lý do để… bảo vệ cái sai như: Công ty cổ phần Lavenue đã đầu tư 700 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất và thuê đất cùng các chi phí khác liên đến việc triển khai dự án. Do đó, việc thu hồi là hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào thành phố (?).
Về quy hoạch đô thị, theo Thanh tra Chính phủ, trước năm 2012 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thành phố với mục đích khách sạn, thương mai theo quyết định của Bộ Xây dựng thì tầng cao tối đa không quá 20 tầng, hệ số sử dụng đất là 2 lần và mật độ xây dựng không quá 60%.
Thế nhưng tại văn bản ngày 25-12-2010, thành phố đã “hào phóng” cho phép dự án được vươn cao 36 tầng; hệ số sử dụng đất 13-13,5 lần; mật độ xây dựng khối đế 65%, khối tháp 38%; khoảng lùi so với mặt đường phía trước từ 3m, phía sau từ 4m đối với toàn bộ khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Việc này trái hoàn toàn với chủ trương ban đầu của chính thành phố tại văn bản ngày 26-7-2010 là dự án tại số 8-12 Lê Duẩn phải tổ chức đầu thầu để chọn nhà đầu tư có uy tín, năng lực; đấu giá quyền dử dụng đất, không liên danh, liên kết…
Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất 8-12 Lê Duẩn có vị trí 3 mặt tiền nếu đấu giá sẽ cho thu về trên 2.000 tỷ đồng. Do đó cần thu hồi lại toàn bộ khu đất này để đấu giá nhằm lập lại kỷ cương trong việc sắp xếp và xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.