Khó tìm lời giải tranh chấp chung cư

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:12
Tranh chấp giữa chủ đầu tư ở các khu nhà chung cư với cư dân đang dần trở thành câu chuyện muôn thủa. Trước đây tranh chấp chung cư bùng nổ do chưa thành lập được các Ban Quản trị đại diện cho người dân. Thế nhưng, hiện nay khi hàng loạt các khu nhà đã có Ban Quản trị, những tranh chấp vẫn thường xuyên nổ ra và câu chuyện tranh chấp chung cư khó có thể đi đến hồi kết.


Có Ban Quản trị, tranh chấp vẫn nổ ra

Hai khối nhà CT5A-B, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông có 300 căn hộ và 3 tầng thương mại. Sau nhiều năm tranh cãi, đến tận năm 2015, hai tòa nhà này mới thành lập được Ban Quản trị do người dân bầu ra và đã được UBND quận Hà Đông chấp thuận. Tưởng như có Ban Quản trị những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân ở đây có thể sớm được giải quyết nhưng đến nay, những mâu thuẫn đó lại đang được đẩy lên đỉnh điểm.

Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan quanh khu nhà, bà Trần Thị Bình, Trưởng ban quản trị hai khu nhà này bày tỏ những bức xúc của các hộ dân ở đây đang phải chịu. Nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án khắc phục. 

Đặc biệt là hệ thống PCCC dường như được chủ đầu tư lắp đặt chỉ để làm cảnh. Chuông báo cháy dù dùng tay để ấn cũng không kêu. Tủ thiết bị PCCC không được cấp điện. “Hai tòa nhà này mới cách đây ít thời gian đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy. Mới cách đây ít ngày một căn hộ bị cháy nhưng may mắn chủ ở nhà nên đã kịp dập lửa.

Còn đầu năm, đúng ngày 6 Tết, căn hộ 1905A xảy ra cháy lớn, thiêu rụi toàn bộ căn nhà, cũng may là cư dân phát hiện kịp thời nên đã ngăn chặn được không để lan rộng ra cả tòa nhà, nếu không không biết hậu quả sẽ thế nào. Chủ đầu tư làm ăn đúng theo kiểu đem con bỏ chợ, họ chỉ biết thu tiền về túi mình còn lại người dân thì sống chết mặc bay”, bà Bình bức xúc.

Cư dân hai khối nhà CT5A-B, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông đang rất bức xúc vì chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”.

Theo đại diện của Ban Quản trị thì chủ đầu tư hiện mới chỉ trả 700 triệu tiền phí bảo trì, số còn lại là hơn 4 tỷ bây giờ cư dân không biết hỏi ai bởi các công ty liên quan cứ đổ quanh. 

“Với số tiền đó thì không thể sửa chữa, cải tạo được hệ thống PCCC, chúng tôi đã gửi đi không biết bao nhiêu đơn thư kiến nghị với chủ đầu tư, đơn kêu cứu tới các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội nhưng chẳng có bất kỳ hồi âm nào. Toàn bộ gia sản dồn góp lại mới mua được căn nhà, lại còn tính mạng của cả gia đình người lớn trẻ nhỏ nhưng chẳng ai quan tâm dù có kêu gào khản cổ”, bà Bình nói.

Người dân luôn phải chịu thiệt

Hai khu nhà CT8A và CT8B, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông cũng đã thành lập được Ban Quản trị, thế nhưng thực tế người dân vẫn không được làm chủ. Ông Nguyễn Minh Thao, Trưởng Ban Quản trị hai khu nhà này cho biết, chủ đầu tư là Tổng công ty HUD đã bàn giao cho Ban Quản trị nhưng chỉ trên giấy tờ còn thực địa thì từ đó đến nay vẫn chưa bàn giao. 

Chính vì thế khi hỏi về việc hai khu nhà này nằm trong danh sách không đảm bảo về PCCC, ông Thao cho biết ông không hề hay biết đến thông tin này dù đang là người đại diện cho các cư dân.

“Họ chỉ bàn giao giấy tờ, chứ có bàn giao thực địa đâu mà chúng tôi nắm được hạng mục nào đã xuống cấp hay chưa. Cách đây ít ngày họ thông báo bàn giao cho chúng tôi một phần dưới chân nhà bên cạnh nhưng chỗ lồi chỗ lõm thế thì làm sao chúng tôi nhận được. Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng với chủ đầu tư về những việc này”, ông Thao chia sẻ.

Chỉ cách đây vài ngày, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại tòa nhà Hồ Gươm Plaza (phường Mỗ Lao, Hà Đông) đã lên đến đỉnh điểm khi chủ đầu tư thì cắt điện, cắt nước khiến cư dân phẫn nộ.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó trưởng ban đại diện cư dân cho biết, căn nguyên vụ việc là vào ngày 2-4, phía chủ đầu tư đơn phương thông báo sẽ thu phí dịch vụ tạm tính bắt đầu từ tháng 4-2016 ở mức mới là 5.500 đồng/m², tăng 2.000 đồng/m² so với mức phí đã thống nhất trước đó; đồng thời chủ đầu tư còn đòi truy thu 2.000 đồng/m² kể từ tháng 10/2015- 3/2016. Không đồng tình với thông báo trên, Ban đại diện cư dân đã phát phiếu lấy ý kiến toàn thể cư dân trong tòa nhà rồi tổng hợp gửi chủ đầu tư để làm cơ sở quyết định.

Theo kết quả lấy ý kiến cư dân, có 199/212 phiếu không đồng ý với mức phí dịch vụ điều chỉnh và yêu cầu truy thu trong thông báo của chủ đầu tư. Thế nhưng, chiều ngày 7- 4, chỉ trong 5 ngày sau khi ra thông báo tăng phí dịch vụ, chủ đầu tư đã ra ngay một tối hậu thư với nội dung đến ngày 15-4, nếu căn hộ nào chưa nộp phí dịch vụ theo mức thông báo sẽ bị cắt dịch vụ nước, thang máy…

“Công ty May Hồ Gươm đã tùy tiện cắt nước, thang máy… của hàng trăm hộ dân, chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì ai gánh chịu hậu quả, nhất là những người già, em nhỏ gặp nhiều khó khăn khi lên xuống bằng thang bộ? Cách đây khoảng hơn nửa năm, vất vả lắm cư dân tòa nhà và chủ đầu tư mới thống nhất được mức phí dịch vụ tạm tính là 3.500 đồng/m² cho đến khi thành lập được Ban quản trị. Vậy mà không hiểu sao, đến nay chủ đầu tư lại bội tín?”, bà Hương bức xúc.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho hay, đây cũng là một vấn đề nóng trên địa bàn thời gian vừa qua. Bà Hà ví dụ như trường hợp tranh chấp căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư tại tòa nhà Hồ Gươm Plaza mấy ngày qua. Nếu UBND quận Hà Đông không kịp thời có những giải pháp giải quyết giữa chủ đầu tư và cư dân thì tranh chấp này chắc chắn sẽ còn căng thẳng nữa.

“Đây là vấn đề luôn được UBND quận Hà Đông rất quan tâm. Đối với những chung cư đã bầu được Ban Quản trị, UBND quận đã giao cho UBND các phường sở tại đôn đốc, theo dõi các bên thực hiện nghiêm các cam kết. Các khu nhà chưa bầu được Ban Quản trị cần sớm bầu được Ban Quản trị để đảm bảo quyền lợi cho người dân, và quan trọng nhất là để không xảy ra những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư”, bà Hà nói.

Phan Hoạt
.
.
.