Hệ lụy từ việc “thổi” giá đất theo dự án sân bay

Chủ Nhật, 21/03/2021, 10:24
Những ngày gần đây, khi thông tin Dự án sân bay Phan Thiết được khởi động trong tháng 3/2021, hiện tượng “sốt” giá đất ở các khu vực xung quanh dự án này đã tiếp tục quay trở lại.


Dọc theo các tuyến đường trục chính trên địa bàn xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, dòng người, xe biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành khác của giới đầu nậu nườm nượp đổ về đây để mua bán, chuyển nhượng đất của các hộ dân nhằm bán lại cho “cò” với mục đích đầu cơ đất. 

Tình trạng trên còn gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại địa phương nên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết phải ra văn bản yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhất là phải tập trung quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng bao chiếm, lấn đất công ở khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm mục đích sang nhượng, mua bán trái phép. 

Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cũng yêu cầu Công an TP Phan Thiết tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép, đặc biệt là tình trạng lừa đảo trong mua bán đất đai ở khu vực quanh dự án sân bay.
Sân bay Phan Thiết chưa hình thành, giá đất xung quanh dự án đã bị đẩy lên cao.

Trước đó, từ thông tin một đoàn liên ngành của tỉnh Bình Phước khảo sát thực tế ở khu vực huyện Hớn Quản nhằm có cơ sở đề xuất xây dựng sân bay tại đây, lập tức một cơn “sốt” đất được giới đầu cơ và “cò” thổi bùng lên. Chỉ trong ít ngày khi thông tin quy hoạch xây dựng sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, dòng người từ các tỉnh, thành đến “hóng” mua bán, chuyển nhượng đất đai tại đây đông như đi xem hội. 

Ông Toản, một người dân có rẫy sát khu vực được “cò” đất cho là có dự án sân bay cho biết, người mua bán đất ùn ùn đổ về địa phương hỏi mua đất nhiều ngày liên tiếp kéo cả cư dân địa phương vào vòng xoáy này, đã khiến cả vùng quê đang yên ắng trở nên náo loạn.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam phân tích, hiện cả nước đã có tới 22 sân bay dân sự, trong số đó có 13 sân bay nội địa và 9 sân bay quốc tế. Tuy vậy, theo số liệu từ đơn vị quản lý, khai thác Cảng hàng không, mới chỉ có 6 trong tổng 22 sân bay đang hoạt động có lãi. 

Vì thế, ngoài việc giải quyết vấn đề về giao thông đi lại cho người dân, tính hiệu quả về mặt tài chính của nhiều sân bay đáng được cân nhắc. Không phải cứ xây sân bay thì địa phương nào cũng phát triển mạnh mẽ như TP Đà Nẵng hoặc TP Nha Trang. Sân bay Phù Cát tại TP Quy Nhơn, Bình Định là một minh chứng rất rõ ràng khi đã mất rất lâu mới phát triển được như hiện nay. Do đó, việc quy hoạch, xây dựng một sân bay không hẳn là một bước ngoặt cho kinh tế của địa phương. 

Với trường hợp tại tỉnh Bình Phước, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, giả định là sân bay sẽ được xây dựng, việc này cũng cần ít nhất 5-7 năm để hoàn thiện các bước triển khai, phê duyệt dự án và thời gian xây dựng sẽ mất thêm 3-5 năm nữa. Như vậy là từ lúc khảo sát đến lúc hình thành, nhanh nhất cũng mất gần 10 năm. Sau đó, để vận hành dự án hiệu quả và có sức thu hút đầu tư, phải cần 5-10 năm nữa. 

Cũng theo TS Sử Ngọc Khương, đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền. Bởi sau những cơn “sốt” đất gần đây tại các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận… thì  rủi ro và hệ lụy tiêu cực tiềm ẩn để lại rất lớn. Người dân cần được nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn “sốt” ảo.

Đ.Thắng
.
.
.