Dự án “treo” khiến đất “chết” do chỉ tập trung phát triển các dự án nhà ở

Thứ Ba, 21/08/2018, 07:55
Được phê duyệt với tổng diện tích 2.975ha, gồm 20 khu chức năng, nhưng sau hàng chục năm triển khai, đến nay Khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh mới chỉ tiến hành bồi thường, giải phóng được 70% diện tích, kéo theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cũng mới chỉ phủ kín được 60% diện tích khu vực thực hiện dự án.

Đồng thời, trong số 115 dự án đã được cấp phép ở khu Nam, số dự án phát triển nhà ở chiếm tới một nửa. Theo ông Hồ Trung Hiếu, Phó Ban quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam thành phố (BQL khu Nam), công tác bồi thường do UBND các quận, huyện đảm trách hoặc chủ đầu tư tự thương lượng.

Theo chứng nhận đầu tư được UBND thành phố cấp cho Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, DN này được thực hiện dự án nối dài từ phường Tân Thuận Tây của quận 7 đến xã An Phú Tây ở huyện Bình Chánh với 5 cụm phát triển A, B, C, D và E ở khu Nam; tổng diện tích các khu chức năng trên lên đến 600ha chạy dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh trong thời hạn 50 năm, kể từ năm 1993.

Khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh phát triển các dự án nhà ở và sàn thương mại, văn phòng.

Như vậy, thời hạn triển khai dự án của Công ty Phú Mỹ Hưng chỉ còn phân nửa, nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn đang được triển khai khá chậm.

Cụ thể, công ty Phú Mỹ Hưng mới hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp và đầu tư xây dựng hạ tầng với khu A - trung tâm đô thị mới của khu Nam và phủ kín khoảng 80% công trình kiến trúc tại đây. Trong 4 khu chức năng còn lại, mới chỉ có khu E được triển khai việc giải phóng mặt bằng, các khu chức năng khác hiện việc bồi thường, giải tỏa vẫn đang án binh bất động.

Đất quy hoạch “treo” ở khu Nam sau nhiều năm chưa được giải tỏa, nên theo Sở TN - MT TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bình Chánh thời điểm này đang còn đến 46 dự án phát triển nhà ở có dấu hiệu chậm tiến độ nằm trong ranh khu Nam với tổng diện tích sử dụng đất lên đến cả ngàn hécta, đã có nhiều quyết định thu hồi đất nhưng do dự án triển khai chậm gây bất bình cho người dân.

Phó ban quản lý khu Nam Hồ Trung Hiếu cho biết, để giảm thiệt thòi cho người dân trong vùng quy hoạch, tháng 8-2014 BQL khu Nam đã kiến nghị thành phố cho phép UBND huyện Bình Chánh và quận 8 giải quyết quyền lợi của người dân có đất trong các khu B, C và D theo trường hợp các dự án chưa có quyết định thu hồi đất để giảm căng thẳng của người dân tại đây. Sau đó các năm 2015 và 2017, BQL khu Nam tiếp tục kiến nghị thành phố cho cấp phép xây dựng có thời hạn trên nền nhà cũ với người dân có đất ở hợp pháp trong các dự án bị “treo” dài hạn trên.

Theo phản ánh của nhiều người dân huyện Bình Chánh, các dự án “treo” nhiều năm đã và đang tiếp tục tạo ra cả ngàn hécta đất “chết” ở địa phương này. Tại xã An Phú Tây, bà Ngọc và nhiều người dân ở đây cho biết dự án khu E đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân 22 năm nay. Việc tách thửa cho con ra ở riêng không thể thực hiện do đất nằm trong quy hoạch; đất đai sản xuất nông nghiệp phải bỏ hoang hóa…

Dự án khu E đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi đất từ tháng 11-1996. Sau 20 năm bị “treo”, vào tháng 4-2016 UBND thành phố mới có chủ trương tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời điểm này, huyện Bình Chánh đang chỉ đạo UBND xã An Phú Tây khẩn trương hoàn thành việc xác nhận hồ sơ bồi thường đất đối với các trường hợp còn lại trong dự án.

Bức xúc khi Khu quy hoạch làng đại học ở ấp 6, xã Hưng Long với diện tích lên đến 42ha đã bị “treo” tới 23 năm. Người dân ở đây cũng đã nhiều lần yêu cầu được biết dự án này có triển khai hay không và khi nào thực hiện. Song câu trả lời từ cơ quan có trách nhiệm chỉ là dự án này thuộc khu Nam quản lý và hiện được giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện việc mời gọi nhà đầu tư.

Thực trạng trên cho thấy, các nhà đầu tư và thành phố mới chỉ chú trọng vào việc triển khai các dự án nhà ở và phần hạ tầng thương mại, hội chợ, văn phòng… kèm theo ở khu trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng. Còn lại, các khu chức năng khác ở khu Nam sẽ phải “treo” đến bao giờ thu hút được DN, nhà phân phối hoặc trường đại học… vào đây thì chưa thể biết trước.

Đ.Thắng
.
.
.