Đấu giá rộng rãi để khai thác lợi thế “đất vàng” khi thanh lý
- Hà Nội dự kiến thu 2.540 tỷ đồng từ đấu giá đất
- Hà Nội: Thu hơn 500 tỷ đồng tiền đấu giá đất
- Hà Nội: Không đấu giá “đất vàng”, để xây trường học
Thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh sẽ được hưởng 50% khoản thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản Nhà nước gắn với tài sản trên đất để đầu tư lại cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Đây sẽ là nguồn thu bổ sung khá lớn cho ngân sách thành phố. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường quản lý, xử lý minh bạch, công khai nhằm tăng nguồn thu cho đầu tư phát triển.
Theo ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hồ Chí Minh, số lượng nhà đất đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý tại thành phố rất lớn, đạt con số 12.834 địa chỉ với tổng diện tích hơn 244 triệu m2. Đến thời điểm này, thành phố đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với 625 địa chỉ, thu về cho ngân sách được 10.789 tỉ đồng.
Sau khi được đưa ra đấu giá công khai, giá của khu “đất vàng” này đã tăng hơn 2,6 lần so với giá khởi điểm. |
Từ kết quả tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 đã cho thấy, dù chỉ có diện tích 55x55m, nhưng do lợi có thế 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và đường Nguyễn Du, lại được quy hoạch chức năng sử dụng đất là đất phức hợp để làm cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ với mật độ xây dựng đạt 50-60%, chiều cao từ 18-22 tầng nên khu “đất vàng” này đã thu hút được 12 DN và 1 cá nhân tham gia đấu giá.
Sau 16 vòng đấu căng thẳng, dù giá khởi điểm được đưa ra với khu đất này chỉ ở mức 558 tỷ đồng, nhưng mức trúng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách tăng thu được khoản tiền không nhỏ từ việc đấu giá công khai này.
Thực tế diễn biến phiên đấu giá này còn thể hiện, ngay từ vòng đấu đầu tiên, giá đấu đã được đẩy lên mức 745 tỷ đồng. Các vòng đấu tiếp theo, mức giá đấu được các cá nhân, tổ chức tham gia đã tiếp tục được đẩy lên mức 900-1.000 tỷ đồng.
Khi giá khu đất đã được đẩy lên mức trên thì cũng mới chỉ có một nửa số người tham gia chịu dừng lại. Quá trình đấu giá được kéo dài đến vòng thứ 12 cũng vẫn còn đến 4 đơn vị theo đuổi việc mua được khu đất trên. Phải đến vòng đấu cuối cùng, giá đất mới dừng lại ở mức đấu thành công như vậy. Điều này đã thể hiện rõ sức hút của những khu đất có vị trí đắc địa, lợi thế ở khu trung tâm.
Góp ý với thành phố và các cơ quan chức năng về trong việc khai thác quỹ đất công cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng, Hiệp hội Bất động sản thành phố cho rằng, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu “đất vàng”, hoặc theo hình thức hợp đồng BT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế; có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội…
Thực trạng trên cũng đã tạo điều kiện để nhà thầu kiêm nhà đầu tư được hưởng lợi "kép". Cụ thể, khi nhận thầu thi công công trình thì dự án và tổng dự toán công trình thường do nhà thầu là đơn vị đề xuất. Do đó, nếu không được thành phố kiểm soát kỹ, sẽ có thể dẫn đến lãng phí hoặc làm đội giá thành công trình.
Mặt khác, các khu đất đối ứng thường ở những địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư kinh doanh bất động sản, thường cũng lại do nhà thầu kiêm nhà đầu tư chọnđể thanh toán bù trừ. Phần lớn các khu đất này lúc trị giá đất thì còn ở dạng đất thô, thường chỉ có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Sau đó, chủ đầu tư mới quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo mục đích kinh doanh, tạo nên giá trị gia tăng rất cao.
Đã vậy, khi chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, nhà thầu kiêm nhà đầu tư này còn "tránh" được thủ tục "kép" khi không phải tham gia lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản.
Với số lượng nhà, đất công được đề xuất thanh lý còn rất lớn như vậy, trong 3 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc bán đấu giá để tăng nguồn thu. Do đó, Hiệp hội Bất động sản đã đề nghị thành phố cần thực hiện phổ biến hình thức đấu giá đất công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với các khu “đất vàng” trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… trên đất thuộc sở hữu Nhà nước.