Đất nền vẫn “sốt”

Thứ Bảy, 13/05/2017, 09:20
Nhiều năm qua, hầu như các dự án BĐS tại TP Hồ Chí Minh không còn đưa ra được dự án đất nền nào. Những dự án nhà ở có đất để làm nhà phố hoặc biệt thự liên kế đều được đầu tư ở cấp hạng sang để bán với giá khá cao.

Đình đám gần đây, giá bán biệt thự, nhà phố liên kế tại dự án City Land trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp đã được đẩy lên đến vài tỷ đồng, thậm chí là cả chục tỷ đồng/căn. Giá nhà tại dự án quá tầm với trong khi một bộ phận đông đảo người dân đang có nhu cầu về nhà ở vẫn chuộng nhà phố hơn căn hộ chung cư. Thực tế người ta vẫn thích “săn” đất nền cất nhà là do căn hộ ở các dự án chung cư hạng A và B bán cũng chẳng hề rẻ (ở mức 1,5-3 tỷ đồng/căn). Đã vậy, liên tục xảy ra tranh chấp chung cư, chậm giao nhà, phải “gánh” nhiều khoản phí dịch vụ khi vào ở…

Thực tế này đã làm cho đất nền tại các quận: Gò Vấp, Thủ Đức, 9, 12 và các huyện ngoại thành: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… gần như tăng mỗi ngày và chưa có điểm dừng.

Đất trống xen kẹt trong các khu dân cư càng có đà tăng nóng sau khi được thành phố đầu tư hạ tầng.

Ông Hoàn, một người dân ở quận Gò Vấp vừa mua được nền đất có diện tích trên 200m2 trong một con hẻm xe hơi vào được tại quận Gò Vấp cho biết, trước Tết khoảng 3 tháng, ông đã mua trượt miếng đất này với giá 6,7 tỷ đồng từ tay “cò”. Nay phải chấp nhận mua lại với giá 7,4 tỷ đồng do ở những khu vực dân cư khá của Gò Vấp hiện kiếm được lô đất đẹp, giá tiền hợp lý để xây biệt thự là rất khó. Chấp nhận mua với giá trên, nhưng vừa làm xong giấy tờ “cò” đã quay lại gạ ông sang lại với giá cao hơn 500 triệu đồng.

Ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, nếu như cách đây hơn năm, căn nhà cấp 4 trong ngõ nhỏ diện tích ngang 4 dài 16m chỉ vào khoảng 800 - 900 triệu đồng nhưng hiện nay giá đã “nhảy” lên mức 1,7 – 1,8 tỷ đồng. Đứng trước căn nhà đang được rao bán với giá 1,8 tỷ đồng, ông Quyền - một người đầu cơ mua đi bán lại ở khu vực này tiếc hùi hụi cho biết, cách đây hơn tháng chủ nhà mới bán 1,5 tỷ, nay đã được hô giá bán tăng thêm 300 triệu đồng.

Tại khu vực quận 9, giá đất nền khu vực đường Trường Lưu, phường Long Trường thời điểm giữa năm ngoái chỉ có giá 670 - 730 triệu/nền diện tích 50m2. Nhưng tới thời điểm này, giá giao dịch đã được đẩy lên mức 800 - 950 triệu đồng, tức giá đất đã 16 - 19 đồng triệu/m2. Khu vực đường Lò Lu, phường Trường Thạnh cũng diễn ra tình trạng tương tự khi giá đất liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Ven đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình trước đây chưa đầy năm, giá đất giao dịch chỉ có 6 triệu/m2 thì nay đã lên tới 12 - 14 triệu/m2.

Theo Hiệp hội BĐS thành phố, cơn sốt đất nền vùng ven của thành phố còn do thông tin về đầu tư hạ tầng, chẳng hạn khi thành phố công bố đầu tư làm cầu Cần Giờ, giá đất ở huyện này tăng nóng từng ngày; hay như dự án cầu bắc qua phà Cát Lái cũng đẩy giá đất ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sốt sình sịch.         

Theo nhận định từ Công ty tư vấn BĐS Savills Việt Nam, người mua nhà vẫn rất chuộng nhà phố với diện tích nhỏ. Đây là phân khúc có thể cạnh tranh với căn hộ chung cư vì không đắt hơn quá nhiều nhưng lại có thể cung cấp các tiện nghi kèm theo tốt hơn. Savills Việt Nam dự báo nhu cầu về biệt thự, nhà phố liên kế tại TP Hồ Chí Minh trong năm nay sẽ tăng trên 100% so với năm ngoái. Trong khi số lượng nhà ở loại này chỉ có hạn, thì đầu tư đất nền vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của giới đầu cơ và người cần mua nhà để ở.

Đại diện một DN BĐS khuyến cáo, những người có nhu cầu thực sự mua đất để cất nhà ở ngay cần xem xét kỹ, nhất là tính pháp lý của đất nền nằm xen kẹt trong các khu dân cư. Bởi mặc dù nhiều nơi đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đất xen kẹt trong khu dân cư phát triển do “cò” phân nền, hứa hẹn tách sổ hầu hết là đất vườn, đất ruộng chưa được chuyển mục đích sử dụng. Chuyển được hay không, bao lâu mới có thể ra sổ hồng và diện tích tối thiểu mỗi nền để được tách sổ bao nhiêu là những vấn đề người mua cần lưu ý.

Về phía chính quyền thành phố, việc quy định tối thiểu điện tích đất nền để được tách thửa ở mỗi quận huyện thực hiện theo Quyết định 33 nhưng do quy định này không yêu cầu phải lập tổng mặt bằng khi thực hiện tách thửa, không khống chế diện tích khu đất là bao nhiêu mới được chuyển mục đích sử dụng và tách thửa nên thành phố và các quận, huyện càng khó kiểm soát quy hoạch đô thị với các khu đất nằm xen kẹt trong khu dân cư hiện hữu hoặc đất vườn, đất ruộng đã được quy hoạch chuyển mục đích sử dụng thành đất ở.

Đ.Thắng
.
.
.