Đánh thuế nhà trên 700 triệu có phù hợp với thực tiễn?

Thứ Tư, 18/04/2018, 09:59
Dự thảo Luật Thuế tài sản được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, trong đó đề xuất 2 phương án sẽ đánh thuế nhà trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ với mức thuế tương ứng 0,3- 04% đang làm dậy sóng dư luận.


Không chỉ người dân, ngay các chuyên gia kinh tế cũng có những quan điểm trái chiều. Liệu với mức đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng có phù hợp với thực tiễn Việt Nam? Trong khi bất động sản đang gánh khá nhiều loại thuế phí; nếu áp thêm mức thuế 0,4% với nhà trên 700 triệu đồng có gây ra tình trạng thuế chồng thuế?

Cơ sở nào để đưa ra mức thuế này?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đánh thuế nhà trên 700 triệu: Thiếu khả thi và nhiều bất cập”, các chuyên gia, các nhà kinh tế đều cho rằng, việc đánh thuế một căn nhà có giá trị trên 700 triệu đồng hiện nay là chưa phù hợp. Hiện người dân đã phải đóng các khoản thuế đất, thuế sử dụng đất, và đóng các khoản thuế khi xây một căn nhà, việc đề xuất thu thêm thuế nhà với căn nhà trên 700 triệu sẽ khiến thuế chồng thuế. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, với căn nhà 700 triệu đồng, đối tượng sở hữu chủ yếu là những người khó khăn về tài chính. Đối tượng này đang được Nhà nước cho hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ mua nhà. 

Hiện nay việc vay vốn, duyệt hồ sơ từ ngân hàng cho người mua nhà cũng khó khăn, phải phù hợp với đối tượng, hạn mức nào đó. Rõ ràng những đối tượng chúng ta nói là đối tượng thu nhập thấp, có chính sách vay 4,8% một năm cũng là khó khăn. “Nếu sắc thuế trên được thông qua, thì họ phải chịu nhiều cái khó khăn hơn. Và quan điểm của tôi là không phù hợp”, ông Đính nêu quan điểm.

Những đối tượng phải chịu thuế nhà theo dự thảo đa số là người có thu nhập thấp.

Theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, nhà cần là một đối tượng để đánh thuế. Tuy nhiên nhà có giá trị tới mức nào thì cần đánh thuế là vấn đề đáng bàn. Không nên đánh thuế nhà giá trị thấp, phần lớn của người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Không thể dồn gánh nặng lên vai những đối tượng này. Ở góc độ quản lý, nhà giá trị thấp thu thuế không đáng bao nhiêu, giống thu thuế đất phi nông nghiệp. Nó vi phạm một nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả. Thứ hai là tính đơn giản trong thuế. 

“Không nên loay hoay giữa việc đánh thuế nhà thứ nhất hay không đánh thuế nhà thứ hai hoặc xác định người ta sở hữu ngôi nhà thứ 3 hay thứ 4. Cái tôi bất ngờ và thắc mắc là ngưỡng 700 triệu để đánh thuế nhà, cơ sở nào để đưa ra mức này? Trong khi phần suất đầu tư để đánh thuế lại ở Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính là người giúp Chính phủ, Quốc hội tạo ra dự Luật này. Trách nhiệm của Bộ là phải đưa ra căn cứ để xác định mức thu thuế tài sản và cơ sở thu thuế tài sản”, ông Ánh nói.

Không phải cứ thông lệ là áp dụng

Một trong những lý do để Bộ Tài chính đưa ra trong Dự thảo Luật Thuế tài sản là theo thông lệ quốc tế. Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, thuế nhà đây là thông lệ áp dụng trên thế giới. Nhưng quan trọng là đánh thuế như thế nào? Ở Singapore đánh thuế dựa trên giá trị nhà ở. Thuế tài sản có lịch sử rất lâu đời, gắn với bản chất của nhà nước. Nếu áp dụng luật thuế tài sản với đất, thì thuế suất sẽ tăng lên gấp 10 lần, từ 0,03% lên 0,3 hoặc 0,4%. Đáng ra, phải bàn xem việc này, tăng thuế như vậy có hợp lý hay không chứ không nên chỉ tập trung vào thuế với nhà. 

“Thông lệ chỉ là cái để chúng ta tham khảo. Không phải lần đầu tiên, nhiều lần ban hành chính sách, đưa ra dự thảo, Bộ Tài chính lại đưa ra luận điểm đó là thông lệ thế giới đang thực hiện. Quan trọng là từ thông lệ, nó giúp gì cho chúng ta trong việc thực hiện chính sách. Mỗi thông lệ có một lịch sử, mang quan điểm của một dân tộc, chỉ là cái để tham khảo, chứ không hoàn toàn thuyết phục”, TS Vũ Đình Ánh chia sẻ.

TS. Đinh Tuấn Minh phân tích, dự thảo có dòng rất ngắn: Trong tường hợp không đóng được thì cứ tích dần, khi nào chuyển nhượng tài sản thì đóng thuế. Điều này cho thấy tính khả thi của luật yếu và phải tính được làm thế nào để người dân phải nộp thuế. Nếu không rõ ràng, thuế tài sản sẽ tạo ra xung đột giữa người đang được hưởng thụ tài sản với chính quyền.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường bất động sản mới được hồi phục 2- 3 năm gần đây, nhưng chưa phải bền vững và đang phải đối mặt với lạm phát. 

“Thực tế, thông tin đánh thuế này đang trực tiếp gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Đặc biệt, tại phân khúc căn hộ chung cư, khi mà tâm lý người dân đang bị dao động sau những vụ cháy, thị trường đang bất lợi. Nếu chính sách không tốt sẽ tác động không tốt tới thị trường”, ông Đính nói. 

Trong khi đó, TS Đinh Tuấn Minh dự báo, tính khả thi của việc đánh thuế này không cao, không đảm bảo sự công bằng sẽ dẫn đến những trường hợp xung đột, cưỡng chế, cưỡng ép, kiện cáo, ra tòa. 

“Tôi thấy có nhiều cái phải suy nghĩ thấu đáo về tính hiệu quả của nó. So với khoản thu ngân sách như vậy, hay chăng nên cân nhắc khoản thu khác dễ, hợp lý hơn. Nếu bắt buộc phải đánh thuế, chỉ nên trao về cho chính quyền địa phương, quy mô sẽ nhỏ, hợp lý hơn”, TS Đinh Tuấn Minh phân tích.

Phan Hoạt – Lệ Thúy
.
.
.