Quốc hội thông qua thêm 8 luật: Chưa đánh thuế nhà ở

Thứ Sáu, 18/06/2010, 10:22
Vấn đề về lựa chọn phương thức thi hành án (THA) tử hình bằng tiêm thuốc độc hay giữ nguyên hình thức xử bắn đã được QH biểu quyết riêng vào đầu phiên họp chiều qua 17/6.

Xử tử hình: thay "bắn" bằng "tiêm thuốc độc"

Và với 419 đại biểu QH tán thành, chiếm 84,99%, QH đã thông qua Điều 59 của dự luật: "THA tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định". Trước đó, thăm dò của Đoàn thư ký kỳ họp cho thấy đa số ý kiến đại biểu QH tán thành việc THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến đề nghị giữ quy định hình thức THA tử hình bằng xử bắn như hiện hành, thậm chí có ý kiến đề nghị quy định luôn cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc để Hội đồng THA tử hình quyết định cho người bị kết án tử hình lựa chọn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, việc nghiên cứu để thay thế hình thức THA tử hình đã được đặt ra từ nhiều năm nay và theo ý kiến chung của Ủy ban Thường vụ QH thì trong các hình thức THA tử hình, tiêm thuốc độc có nhiều ưu điểm hơn trong việc khắc phục những bất cập hiện nay trong THA tử hình và có tính khả thi. Hơn nữa, nếu quy định thực hiện THA tử hình bằng cả hai hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn đòi hỏi phải có cơ chế giải quyết để người phải chấp hành án lựa chọn hoặc do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và vẫn phải duy trì cách thức tổ chức, cũng như các điều kiện THA bằng xử bắn, vừa tạo ra sự không thống nhất trong thực hiện và gây tốn kém không cần thiết. Vì vậy, cuối cùng phương án trình ra để QH "bấm nút" là "tiêm thuốc độc" và QH đã tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải trình về dự án Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước khi QH thông qua.

Vấn đề về giải quyết việc xin tử thi của người phải THA tử hình cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến đa số đại biểu QH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị THA tử hình theo hướng: Trước khi THA tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị THA tử hình được gửi đơn đến Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng trường hợp, Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm xem xét, quyết định cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. QH đã thông qua Điều 60 của dự luật về vấn đề này. Sau khi thông qua riêng hai điều 59 và 60, Dự luật thi hành án hình sự cũng nhanh chóng được QH thông qua với 427 ý kiến tán thành, chiếm tỉ lệ 86,61% tổng số đại biểu QH.

Luật THA hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Kể từ ngày có hiệu lực, các quy định của Luật này được "ưu tiên" áp dụng so với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thống nhất chưa đánh thuế nhà ở

Trong phiên họp buổi sáng 17/6, QH đã thông qua 5 dự án luật gồm: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (tên cũ là Luật Thuế nhà, đất); Luật Nuôi con nuôi; Luật Bưu chính; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật Người khuyết tật. Trong đó Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quan tâm nhất. Đây là tên mới của dự án Luật Thuế nhà đất, đã từng thu hút nhiều ý kiến trái chiều mà tựu trung là không đồng thuận trên diễn đàn Quốc hội và tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ QH thời gian qua, đặc biệt là đối với quy định đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Tại kỳ họp thứ 7 này, sau khi còn có nhiều ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu. Qua đó, đa số ý kiến (256/324) đồng ý chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, theo cơ quan này khi nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn người dân. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển cũng chưa đưa nhà vào diện chịu thuế.

"Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm góp phần hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế, giá trị nhà ở gắn liền với giá trị đất và thực chất, về cơ bản vẫn là đầu cơ đất. Mặt khác, việc áp dụng công cụ thuế để điều tiết đối với thị trường nhà, đất là cần thiết nhưng chỉ có thể góp phần làm hạn chế đầu cơ. Việc chống đầu cơ nhà, đất cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp..." - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thay mặt Uỷ ban Thường vụ QH lý giải cho việc dự luật chưa quy định đánh thuế nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất. Do vậy, dự luật được đổi tên thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó, đối tượng chịu thuế là đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, bao gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm,...

Về diện tích đất chịu thuế, thống nhất theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, luật quy định theo hướng: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế. "Đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm" - luật này quy định.

Về mức thuế suất, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, ở Việt Nam, tình trạng đầu cơ đất đai diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành vấn đề bức xúc trong quản lý, ảnh hưởng lớn đến tính lành mạnh của thị trường bất động sản, đồng thời dẫn đến lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai. Vì vậy, để góp phần cùng với các chính sách thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác hạn chế đầu cơ đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh mức thuế suất đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức thuế suất từ 0,06% lên 0,07%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thuế suất từ 0,1% lên 0,15%. Còn đối với đất sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng theo quy định cũng tăng mức thuế suất từ 0,1% lên 0,15%; riêng đối với đất lấn, chiếm thuế suất là từ 0,15% lên 0,2%. Được QH nhất trí cao thông qua, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Bố mẹ nuôi và con nuôi cách nhau ít nhất 20 tuổi

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Nuôi con nuôi được QH thông qua sáng 17/6 là ngoài yêu cầu phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi, người muốn nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, điều kiện vật chất và tư cách đạo đức. Còn người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi hoặc được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Luật cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Nhà nước cũng khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Luật cũng quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ em phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất cho người được nhận làm con nuôi. Theo đó, ưu tiên giải quyết cho những người thân thích của trẻ em được nhận con nuôi, nếu không có người thân thích thì lần lượt giải quyết cho người trong nước, người nước ngoài; không có sự phân biệt về nghề nghiệp, hoàn cảnh, công lao đóng góp cho đất nước. Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, phải xem xét một cách toàn diện khả năng, điều kiện của người nhận con nuôi cũng như các yếu tố khác để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011.                                                                             

PV

B. Tuấn - Đ. Trường
.
.
.