Chính sách mới để vay vốn mua nhà ở xã hội: Thêm gánh nặng cho người mua nhà?

Thứ Tư, 14/09/2016, 09:55
Gói 30 nghìn tỷ kết thúc, người mua nhà ở xã hội nếu có nhu cầu sẽ được tiếp tục vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy vậy, theo hướng dẫn mới nhất từ ngân hàng này, người dân có nhu cầu vay vốn ưu đãi mua và thuê nhà ở xã hội sẽ phải gửi tiền tiết kiệm 12 tháng tại chính ngân hàng này. Trước quy định này, không ít người có thu nhập thấp đang tỏ ra lo lắng.


Quy định mới, nỗi lo mới

Văn bản hướng dẫn Nghị định 100 về gói vay ưu đãi mua và  thuê mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội vừa chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới này, người dân có nhu cầu vay ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi vay ưu đãi 4,8%/năm và không phải trả lãi trong một năm đầu. 

Tuy vậy, muốn vay được nguồn vốn ưu đãi này, khách hàng bắt buộc phải thực hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng này với thời gian tối thiểu 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức tiền gửi hằng tháng bằng với mức trả nợ hằng tháng của người mua nhà. Trước quy định này, không ít người có thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở không khỏi băn khoăn.

Đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhưng khi biết quy định mới này, chị Nguyễn Hoài Anh (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, vợ chồng chị hiện tích cóp được khoảng 300 triệu đồng, nếu mua một căn nhà ở xã hội có giá khoảng 900 triệu đồng thì anh chị sẽ phải vay 600 triệu. Nếu tính với mức lãi suất 4,8%/năm vay thời gian dài hạn 15 năm thì mỗi tháng vợ chồng chị sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi là hơn 5 triệu đồng. 

Nhiều ý kiến cho rằng quy định bắt buộc phải gửi tiết kiệm để được vay vốn mua nhà ở xã hội là thêm rào cản với những người có thu nhập thấp. Ảnh: T.Hoàng

“Thu nhập công nhân như của vợ chồng tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu chắt bóp chi tiêu thêm hỗ trợ từ gia đình thì có thể đảm đương được mức trả ngân hàng 5 triệu đồng/tháng cho khoản vay mua nhà. Nhưng nếu bắt buộc phải gửi tiết kiệm một khoản hơn 5 triệu/tháng nữa thì chắc chắn không kham nổi vì còn phải lo con cái ăn học nữa”, chị Hoài Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Trường Giang, nhân viên một công ty thiết bị y tế (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) thì cho rằng quy định này không khác nào đánh đố những người có thu nhập như anh. 

“Lương của tôi mỗi tháng khoảng 7 triệu, vợ chạy chợ đủ mớ rau, con cá. Vợ chồng tôi cũng đang cố gắng tích cóp để một căn nhà ở xã hội. Nếu tôi phải vay 500 triệu mua nhà thì mỗi tháng trả cả lãi lẫn gốc cũng đã gần 5 triệu, phải gửi tiết kiệm thêm gần 5 triệu nữa thì chúng tôi sống sao nổi. Trong khi nhà ở hiện tại vẫn đang phải đi thuê. Thủ tục mua được một căn nhà ở xã hội đã khó, giờ thêm quy định này thì quả là nan giải”, anh Giang nói.    

Tạo thói quen hay thêm rào cản?

Theo giải thích của Ngân hàng Chính sách xã hội thì quy định này là để tạo thói quen tiết kiệm để trả nợ ngay từ năm đầu tiên cho người đi vay. Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng ở đây đang có sự hiểu lầm. Ví dụ, người dân vay 600 triệu đồng trong 15 năm, với lãi suất 4,8%/năm, mỗi tháng, người dân sẽ phải trả gốc khoảng 3 triệu đồng và lãi 2,4 triệu đồng. 

Theo quy định của gói ưu đãi này, mỗi tháng người vay sẽ phải trả 2,4 triệu đồng còn 3 triệu đồng sẽ được chuyển vào một tài khoản tiết kiệm trong vòng 1 năm, lãi tiết kiệm người vay sẽ được hưởng. Hết một năm, số tiền tiết kiệm sẽ được dùng để trả lãi và gốc cho những năm tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định bắt buộc phải gửi tiết kiệm để được vay vốn mua nhà ở xã hội là thêm rào cản với những người có thu nhập thấp. 

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, quy định này cũng nhằm tránh tình trạng đăng ký vay để được ưu đãi mua nhà rồi bán lại trên thị trường để hưởng chênh lệch. Giải thích của Ngân hàng Chính sách xã hội là thế nhưng cũng vẫn có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm là cần thiết nhưng lại bắt buộc phải gửi tiết kiệm một khoản bằng với số tiền phải trả hằng tháng nữa thì không khác gì làm khó người dân. 

“Những người thuộc diện mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp. Ngoài việc trả gốc và lãi cho khoản vay, họ còn phải chi tiêu, sinh hoạt, nuôi con cái ăn học, trả tiền thuê nhà. Đồng lương công nhân thì làm sao mà đủ để có khoản gửi tiết kiệm đó nữa. Nguyên cái việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký mua nhà đã đủ thứ khó khăn, giờ thêm quy định này nữa, chẳng khác nào thêm rào cản đối với họ”, ông Liêm nói.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm thì việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân cần phải xóa bỏ tư duy sở hữu nhà. 

“Đa số người dân sinh sống ở các đô thị hiện nay thu nhập vẫn ở mức trung bình và thấp. Nếu muốn giải quyết nhà ở cho dân mà vẫn có tư duy sở hữu thì rất khó và Nhà nước cũng không thể đủ khả năng để hỗ trợ được. Nếu người dân chưa có điều kiện thì nên ở nhà thuê, hoặc thuê mua. Phát triển loại hình nhà ở cho thuê mới là hướng đi đúng để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân. Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách để làm sao có nhà ở cho thuê giá rẻ mà vẫn đảm bảo các điều kiện sống. Nếu vẫn giữ tư duy sở hữu thì Nhà nước có hỗ trợ bằng chính sách gì cũng không giải quyết được”, ông Liêm nói.

Phan Hoạt
.
.
.