Cần thận trọng khi mua nền đất nông nghiệp làm nhà ở

Thứ Bảy, 06/08/2016, 08:51
Việc tăng dân số cơ học tại Vũng Tàu nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung khó kiểm soát trong khi quỹ nhà ở dành cho người thu nhập thấp còn hạn chế nên việc xây dựng trái phép diễn biến phức tạp phá vỡ quy hoạch đô thị.

TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song song với việc phát triển đó là việc người dân từ các địa phương khác đổ về làm ăn, sinh sống. Đa phần điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp. Vì muốn có được một mái nhà để “an cư, lạc nghiệp” nhiều người đã nhắm mắt mua liều đất nông nghiệp với bản hợp đồng viết giấy tay, không được công chứng. Và khi xảy ra sự cố thì họ tự gánh chịu.

Anh Ng.X.D. hiện đang là công nhân đang làm việc tại Công ty PTSC cho biết, sau nhiều năm, hai vợ chồng anh tiết kiệm được một khoản tiền nên bàn nhau tìm mua một miếng đất nhỏ để làm nhà ổn định cuộc sống.

Sau một thời gian tìm kiếm và được bạn bè giới thiệu, anh quyết định mua lại một lô đất nông nghiệp có diện tích 80m² tại phường 11, TP Vũng Tàu với giá gần 300 triệu đồng. Đây là lô đất đã được bên bán tự ý tách sẵn từ một thửa đất trồng cây lâu năm rộng hơn 4.000m². Tuy nhiên, lô đất anh D. quyết định mua đã được mua bán qua nhiều đời chủ.

Khi mua anh D. cũng chỉ làm việc và viết giấy tay với người thứ ba chứ không thông qua chủ đất ban đầu. “Tôi thấy mọi người ở trên lô đất này đều mua bằng giấy tay nên tôi quyết định làm liều. Bây giờ mua đất thổ cư phải có hàng tỷ đồng thì lấy đâu ra tiền” - anh D. nói.

Chính vì mua đất nông nghiệp không giấy tờ nên dù mua đất đã 4 năm nhưng anh D. chưa thể xây nhà.

Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị lực lượng chức năng phường 10 và TP Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế.

Không riêng gì trường hợp của anh D mà anh T.V.G ở phường 10 vì mua đất nông nghiệp, nhờ người chạy xây nhà trái phép nhưng đã bị lực lượng chức năng cưỡng chế. “Họ nói mua đất rồi lo cho xây nhà. Thế nhưng, mua xong dựng nhà tôn lên thì họ bỏ đi đâu không rõ còn nhà thì bị đập. Vì mua giấy tờ tay tiền mặt giao liền nên chẳng biết người bán ở đâu mà tìm” - anh G. than thở.

May mắn hơn hai trường hợp vừa kể, N.T.T, một hộ dân mua đất làm nhà tại phường 12 cho hay: “Chúng tôi dành dụm rất nhiều năm mới đủ tiền mua được một miếng đất nông nghiệp để làm nhà, đây là tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, sau gần 5 năm mua đất vẫn chưa thể hợp thức hóa quyền sử dụng đất. Vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chúng tôi không thể nhập hộ khẩu, điện nước; con cái đi học cũng gặp vô vàn khó khăn. Có tiền mua đất làm nhà ở nhưng cũng chẳng khác là mấy khi chúng tôi còn ở trọ vì không thể thực hiện quyền sử dụng đối với khu đất của mình".

Nhiều lần anh T. liên hệ với chủ đất để làm thủ tục sang tên nhưng chỉ nhận được câu trả lời “không thể tách thửa được vì là đất nông nghiệp giấy tờ tay, mọi người cũng ở vậy có sao đâu. Tiền nào của nấy”. Vì đã trót giao tiền hết cho chủ đất nên anh T. chỉ biết ngậm bò hòn làm ngọt.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND phường 12 (TP Vũng Tàu), cho biết, việc phân lô bán nền đất nông nghiệp tại phường 12 diễn ra từ năm 2006. Đa số những người mua đất phân lô bán nền này là dân nhập cư, việc mua bán bằng giấy tay không thông qua chính quyền địa phương nên rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc phân lô bán nền chỉ là giao dịch dân sự không có giá trị pháp lý nên khi xảy ra tranh chấp, người mua không được pháp luật bảo vệ. Hơn nữa, đất nông nghiệp không được phép xây dựng nhà cửa nên khi người dân cố tình xây nhà bị cưỡng chế là điều tất yếu.

“Trước khi mua bán đất đai, người dân cần liên hệ UBND phường để tìm hiểu thông tin tránh để tiền mất, nhà không có ở. Trong thời gian qua, phường cũng đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết được khu vực quy hoạch và loại đất không được sang nhượng, xây dựng” - ông Cường nói.

Còn ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho biết, nhiều người dân vẫn biết việc mua bán đất nông nghiệp bằng giấy  tay là không có giá trị pháp lý, nhiều rủi ro nhưng vì ham rẻ cộng với bức thiết nhu cầu về nhà ở nên họ vẫn cố tình thực hiện giao dịch.

Hiện việc tăng dân số cơ học tại Vũng Tàu nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung khó kiểm soát trong khi quỹ nhà ở dành cho người thu nhập thấp còn hạn chế nên việc xây dựng trái phép diễn biến phức tạp phá vỡ quy hoạch đô thị.

“Trong thời gian tới, TP Vũng Tàu tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, mở rộng phát triển các chung cư nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở hiện nay”- ông Nguyễn cho biết giải pháp.

Hải Âu
.
.
.