Căn hộ thương mại giá rẻ vẫn đắt khách

Thứ Năm, 13/12/2018, 09:56
Đánh giá về tiềm năng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam tại hội thảo “Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản" diễn ra ở TP Hồ Chí Minh ngày 12-12, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh BĐS do nhu cầu về nhà ở, hạ tầng KCN, trung tâm thương mại, BĐS nghỉ dưỡng… còn rất lớn.

Riêng với lĩnh vực nhà ở, căn cứ theo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ, mỗi năm cả nước đã cần xây dựng thêm 100 triệu m² nhà ở, trong đó khoảng 70% là nhà ở tại các đô thị. Giao dịch tăng trưởng mạnh những năm gần đây, nhưng giá nhà ở luôn được giữ ở mức ổn định. 

Tăng trưởng nhanh, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Thời gian để nhà đầu tư tiêu thụ hết một dự án BĐS tại Hà Nội chỉ khoảng 23 tháng, đặc biệt, đối với phân khúc căn hộ thương mại giá rẻ chỉ trong 6 tháng, trong khi tại các nước khác trong khu vực, một dự án chủ đầu tư phải chào bán trong vòng 3 - 4 năm vẫn chưa hết hàng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, cùng với thị trường nhà ở, thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng đang có nhu cầu rất lớn và khả năng thanh toán tốt. 

Trước sự tăng trưởng mạnh của du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu đối với loại hình BĐS này. 

Như vậy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa nên tới đây phân khúc BĐS này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nếu nhìn ở ngắn hạn, thị trường BĐS còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, khó khăn về vốn khi ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng BĐS, nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150 lên 200%. 

Động thái này khiến các doanh nghiệp BĐS càng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trong khi doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ người dân khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh. Cùng lúc, những khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật đất đai, nhà ở, xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung sản phẩm ra thị trường. 

Thực tế đang có rất nhiều dự án BĐS không được phê duyệt hoặc phê duyệt chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển dự án có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh nhỏ như Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Yên Bái… nơi có nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư hoặc nhiều chủ đầu tư "tay ngang" không đủ tiềm lực tài chính phải bán dự án. 

Đ.Thắng
.
.
.