Thông điệp từ người già nhất thế giới rước đuốc Olympic Tokyo
Quyết định lịch sử
Với thế giới, Thế vận hội Olympic gắn liền với khẩu hiệu “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Nhưng người Nhật Bản muốn gửi gắm nhiều thông điệp hơn nữa ở Tokyo 2020, kỳ đại hội đầu tiên trong lịch sử bị hoãn lại một năm vì dịch bệnh. Một trong những tiêu chí hàng đầu khi bạn quyết tâm tập luyện thể thao, đó là để khỏe hơn, sống lâu hơn.
Có lẽ vì lý do này nên BTC Olympic Tokyo quyết định mời người già nhất thế giới, cụ bà Kane Tanaka tham gia đoàn rước đuốc. Bắt đầu từ ngày 25/3, ngọn đuốc Olympic sẽ bắt đầu đi qua các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần Tohoku năm 2011 - đánh dấu 10 năm xảy ra thảm kịch trước khi đi khắp mọi nơi trên đất Nhật Bản.
Theo kế hoạch, ngọn đuốc Olympic sẽ đi qua Shime, tỉnh Fukuoka, quê nhà của bà Kane Tanaka vào tháng 5 và người già nhất thế giới hiện nay sẽ rước ngọn đuốc trong niềm hân hoan của cả dân tộc. Gia đình sẽ đẩy bà trên xe lăn trong phần lớn quãng đường 100 mét, nhưng bà dự kiến sẽ đứng dậy và tự bước chân trên những mét cuối cùng để trao tận tay cho người rước đuốc tiếp theo.
Kane Tanaka là biểu tượng của sức sống Nhật Bản. Bà đã đánh bại bệnh ung thư hai lần, sống sót qua hai cuộc chiến tranh thế giới, trải qua hai đợt đại dịch toàn cầu và dường như, không có gì có thể khiến bà gục ngã. Kane Tanake dự định đeo đôi giày thể thao mới được con cháu tặng trong lần sinh nhật thứ 118 vào tháng 1 vừa qua để ghi dấu ấn khó tin vào lịch sử Olympic. Bà sẽ phá sâu kỷ lục để trở thành người rước đuốc lớn tuổi nhất lịch sử.
Bà Kane Tanaka thích đồ uống có gas và chơi cờ toán mỗi ngày. |
Kỷ lục cũ đang thuộc về Aida Gemanque của Brazil, người thắp sáng ngọn đuốc tại Thế vận hội mùa hè Rio 2016 ở tuổi 106 và tay vợt bóng bàn Alexander Kaptarenko, người rước ngọn đuốc của Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 ở tuổi 101.
Cuộc sống của người già nhất hành tinh
Tanaka sinh năm 1903, năm bước ngoặt của ngành hàng không thế giới khi anh em Orville và Wilbur Wright hoàn thành chuyến bay bằng động cơ đầu tiên trên thế giới. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với một chủ cửa hàng gạo, sinh 4 người con và tiếp tục làm việc cho gia đình cho đến năm 103 tuổi. Đến nay, bà đã có thêm 5 người cháu và 8 người chắt. Bà Tanaka đã trải qua đủ những thăng trầm trong cuộc sống khó tin của mình. Ít ai ngờ, bà là người trẻ trung và năng động trong trí óc.
Cháu của bà, Eiji nói với CNN: “Bà không thích nói chuyện ngày xửa ngày xưa. Bà có suy nghĩ rất cầu tiến và hiện đại. Bà luôn luôn thích cuộc sống ở hiện tại”.
Và bà Tanaka gần bằng tuổi Thế vận hội Olympic hiện đại, bắt đầu vào năm 1896. Khi Thế vận hội gần nhất được tổ chức tại Tokyo vào năm 1964, bà đã 61 tuổi. Nếu tính cả Olympic mùa hè và mùa đông, Tokyo 2020 sẽ là kỳ đại hội thứ 49 mà bà Tanaka chứng kiến.
Bà Tanaka hiện đang sống ở viện dưỡng lão và duy trì cuộc sống khoa học. Bà thường dậy từ 6 giờ sáng, ăn uống điều độ và thích chơi cờ Othello, bộ môn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và khả năng tính toán nhanh nhạy.
Gia đình không thể đến thăm bà Tanaka suốt 18 tháng vừa qua vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng điều đó không khiến bà kém yêu đời đi. Một trong những bí quyết giúp bà luôn giữ được tinh thần lạc quan và minh mẫn chính là ham muốn tò mò và đam mê tính toán. Đáng chú ý, Tanaka không phải cụ già trăm tuổi duy nhất của Nhật Bản. Năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận hơn 80.000 người sống siêu thọ - theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này, đánh dấu mức tăng hàng năm trong vòng 50 năm liên tiếp.
Cứ 1.565 người Nhật Bản thì có một người trên 100 tuổi, và 88% trong đó là nữ giới. Ở quốc gia này, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 87,45, hơn xa mức 81,4 ở nam giới.
Năm 2019, Sách kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận bà Tanaka là người già nhất còn sống thế giới và bây giờ, bà đang hướng đến các cột mốc khác, bao gồm việc qua kỷ lục người thọ nhất thế giới được một người phụ nữ Pháp nắm giữ (122 tuổi). “Bà Kane nói bà muốn phá kỷ lục đó”, cô cháu gái Eiji tiết lộ.
Thông điệp của Nhật Bản
Gia đình bà Tanaka cho biết bà chưa bao giờ tập luyện rước đuốc, nhưng rất hào hứng khi được là một phần của Thế vận hội. Mặc dù vậy, khả năng tham dự lễ rước đuốc của bà Tanaka vào tháng 5 tới vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết và tình trạng sức khỏe của bà. Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ rước đuốc xuyên Nhật Bản cũng diễn ra theo cách đặc biệt. Tất cả sẽ diễn ra trong không gian kín, tránh tụ tập đông người, tránh tiếp xúc gần.
Những người muốn xem đoàn rước đuốc sẽ phải đeo khẩu trang, đứng vào trong lề đường. Họ phải ở nhà tự cách ly nếu cảm thấy không được khỏe, và họ không được phép di chuyển sang tỉnh khác theo đoàn rước đuốc. Đám đông cũng được ban tổ chức khuyến khích cổ vũ bằng các tràng pháo tay thay hò hét và cổ vũ. Các cuộc chạy tiếp sức rước ngọn đuốc này về Tokyo sẽ được truyền trực tiếp trên mạng.
Ngoài ra, bà Tanaka và những người rước đuốc khác sẽ phải kiểm tra sức khỏe hàng ngày từ 2 tuần trước khi cầm đuốc. Họ buộc phải hạn chế các hoạt động có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh như đi ăn nhà hàng, đến những nơi đông người…
Tất cả đều được Nhật Bản lên kế hoạch chi tiết và hoàn hảo. Trong đó, cụ bà Kane Tanaka giống như một điểm nhấn để họ gửi thông điệp cho toàn thế giới về một quốc gia quật khởi, trường tồn, văn minh và đáng sống bậc nhất trên hành tinh này.
Cụ bà Kane Tanaka cũng có trang cá nhân Vào tháng 1/2020, cháu của bà Tanaka - Junko Tanaka đã lập một tài khoản Twitter (twitter.com/tanakakane0102) để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 117 của bà. Cô đăng tải các hình ảnh hằng ngày của bà cố như thưởng thức bánh quy, uống nước ngọt, cùng những cuộc trò chuyện vui vẻ trong gia đình. Junko Tanaka nói: “Tôi đã xin phép bà cố tạo một trang cá nhân cho bà và đăng tải những điều tuyệt vời nhất về bà trên đó. Thật tốt khi ở tuổi 118, bà vẫn có thể tự mình uống Coca Cola và chơi cờ Othello. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ tôi hơi thiên vị vì là cháu chắt của bà, nhưng tôi thực sự nghĩ những việc bà đang làm rất tuyệt vời. Tôi muốn chia sẻ điều đó với thế giới và muốn mọi người được truyền cảm hứng, tận hưởng niềm vui sống từ bà”. |