Một cái giá rất lớn

Thứ Hai, 16/10/2023, 07:21

Tờ The Times of Israel ngày 15/10 dẫn tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết IDF đã sẵn sàng mở rộng tấn công bằng cách thực hiện "một loạt các kế hoạch hành động", bao gồm một cuộc tấn công liên hợp giữa các lực lượng và phối hợp tác chiến ở 3 hướng: trên không, trên biển và trên đất liền nhằm vào Dải Gaza.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian kêu gọi Israel chấm dứt hành động tàn bạo ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo rằng, các nhóm kháng chiến trong khu vực đều đã "đặt tay lên cò súng".

Nguy cơ và hậu quả

Trong tuyên bố của mình, IDF nhấn mạnh những ngày gần đây, các công cụ cần thiết cho tác chiến đã được chuyển đến các khu vực tập kết và ở giai đoạn này, các đơn vị khác nhau của Tổng cục Công nghệ và Hậu cần đang nỗ lực đảm bảo tiêu chuẩn cho các công cụ tác chiến cũng như trang bị cho (các binh sĩ) những phương tiện chiến đấu tiên tiến mà họ cần. Tuyên bố của IDF cho biết thêm: "Các tiểu đoàn và binh sĩ của IDF đã được triển khai trên khắp đất nước và sẵn sàng tăng cường khả năng cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, tập trung vào một hoạt động quan trọng trên bộ".

Theo The Times of Israel, quân đội nước này dự kiến sẽ tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza, nhưng quy mô và thời điểm thực hiện có thể bị ảnh hưởng bởi những cân nhắc liên quan tới chiến dịch này, bao gồm việc sơ tán thường dân Palestine khỏi phía Bắc Gaza và căng thẳng gia tăng ở biên giới phía Bắc của Israel. Bắt đầu từ ngày 13/10, IDF đã kêu gọi người Palestine ở phía Bắc Dải Gaza sơ tán tới phần phía Nam của vùng đất này bằng cách sử dụng các hành lang sơ tán trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Rõ ràng, nhu cầu chính trị cho một cuộc tấn công trên bộ dường như là điều chắc chắn.

Chia sẻ quan điểm này, Tướng Dominique Trinquand, cựu Chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên hợp quốc (LHQ), cũng cho rằng: "Một chiến dịch trên bộ đã được quyết định. Việc tiến vào Gaza sẽ có mục tiêu chính là tiêu diệt Hamas".

Nếu Israel thực hiện cuộc tấn công này, cái giá sẽ rất lớn. Gaza là một trong những nơi có mật độ dân cư đông nhất hành tinh. Mạng lưới đường phố chật hẹp, quá đông đúc, có thể buộc các bên phải chiến đấu giáp lá cà và làm tăng đáng kể nguy cơ thương vong cho dân thường. Một vấn đề phức tạp hơn nữa là mạng lưới đường hầm, được các chuyên gia an ninh Israel gọi là "công sự ngầm ở Gaza". Một số đường hầm sâu tới 30 hoặc 40m, cho phép các tay súng Hamas di chuyển dưới lòng đất và khó bị phát hiện. Quân đội và tình báo Israel chắc chắn nắm về một phần của mạng lưới đường hầm và đã bắn phá dữ dội vào năm 2021, nhưng các phần khác vẫn là bí mật và sẽ khiến bất kỳ hoạt động trên bộ nào của IDF ở Gaza trở nên khó khăn hơn. Trong điều kiện khó khăn này, vẫn còn đó câu hỏi làm thế nào để giải thoát các con tin đang bị Hamas bắt giữ.

Tướng Dominique Trinquand nhấn mạnh: "Hành động ngay lập tức có nghĩa là phải tính đến thực tế là một số lượng lớn con tin có thể sẽ bị thiệt mạng".  Bên cạnh đó, không có gì có thể đảm bảo Quân đội Israel sẽ đạt được mục tiêu chính: tiêu diệt Hamas một cách nhanh chóng đồng thời hạn chế tổn thất về binh sĩ và thương vong cho dân thường. Loại bỏ Hamas có thể sẽ đòi hỏi phải tái chiếm Gaza - tạm thời hoặc có thể trong nhiều năm. Thậm chí, Hamas còn có lịch sử hoạt động lâu dài như một nhóm nổi dậy ngầm tại các khu vực do Israel kiểm soát.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo ở Thủ đô Beirut của Lebanon, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Israel. Ông kêu gọi Israel chấm dứt hành động tàn bạo ở Dải Gaza, đồng thời nói rằng các nhóm kháng chiến trong khu vực đã "đặt tay lên cò súng". Theo ông, hiện nay, các nhà lãnh đạo của các nhóm kháng chiến đã có sự gắn kết. Mọi người đều đã thiết kế các kịch bản và mọi người đều sẵn sàng thực hiện.

"Trong trường hợp cộng đồng quốc tế, LHQ và các nhà hoạt động ủng hộ chế độ Do Thái trì hoãn, trục kháng chiến sẽ phản ứng vào thời điểm thích hợp", nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh. Ông cho biết thêm rằng: "Trong cuộc trò chuyện với những người lãnh đạo phe kháng chiến, tôi nhận thấy rằng phản ứng của phe kháng chiến sẽ có vai trò quyết định làm thay đổi bản đồ hiện tại của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng". Ông cũng không loại trừ việc mở một mặt trận mới trong tình hình nóng bỏng hiện nay: "Về việc mở ra các mặt trận mới, tôi phải nói rằng mọi khả năng đều phụ thuộc vào diễn biến trên thực địa".

gaza.jpg -0
Khói bốc lên sau một vụ không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: Getty Images.

Nhân tố "thay đổi cuộc chơi"

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Hezbollah ở Lebanon và lực lượng vũ trang ở phía Bắc Israel là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột ở Dải Gaza có thể lan rộng ra khu vực. Nếu Hezbollah quyết định tham chiến thì điều đó "sẽ chẳng khác nào một nhân tố thay đổi cuộc chơi", học giả cấp cao tại Viện Trung Đông Firas Maksad nhận định. Theo ông, Hezbollah là "một lực lượng chiến đấu có khả năng lớn hơn nhiều so với Hamas và được công nhận là lực lượng quân sự phi nhà nước mạnh nhất thế giới". Ông nhấn mạnh: "Đây sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ với Israel mà còn với toàn bộ khu vực". Lực lượng này không chỉ là một nhân tố chính trị và quân sự chủ chốt của Lebanon mà còn là một nhân tố quan trọng trong khu vực.

Theo Giáo sư Joseph Daher tới từ Viện Đại học châu Âu (Italy), quy mô cuộc xung đột hiện nay "sẽ phụ thuộc vào việc Hezbollah có can thiệp hay không". Nhóm này "đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trên chiến trường Syria, cũng như ở Iraq và Yemen". Bên cạnh đó, theo ông Hilal Khashan, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Beirut, thành phần của lực lượng này "tương đương với một đội quân châu Âu ở quy mô trung bình".

Chuyên gia Hilal Khashan cho biết thêm rằng, Hezbollah vẫn do dự trong việc tham chiến với toàn bộ lực lượng. Ông giải thích: "Bất kể quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là gì, Hezbollah sẽ không mở một mặt trận mới từ phía Nam Lebanon để chống lại Israel bởi điều đó sẽ tạo điều kiện để Israel phá hủy Lebanon. Iran đã thông báo cho Israel và Mỹ qua các bên thứ ba rằng, nước này sẽ kiềm chế Hezbollah". Tuy nhiên, Phó lãnh đạo Hezbollah Naim Qassem hôm 13/10 tuyên bố đã "chuẩn bị đầy đủ" để tham gia cùng Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel vào thời điểm thích hợp.

Ông nhấn mạnh: "Việc các nước lớn, các nước Arab và đặc phái viên của LHQ, trực tiếp và gián tiếp đề nghị chúng tôi không can thiệp vào trận chiến, sẽ không có tác động đến chúng tôi. Hezbollah biết nghĩa vụ của mình". Bên cạnh đó, Lebanon hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử với lạm phát ở mức 3 chữ số và đồng tiền quốc gia giảm hơn 90% giá trị kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2019. Gần 3/4 người dân Lebanon sống trong tình trạng đói nghèo. Do đó, theo nhà quan sát Firas Maksad, Hezbollah sẽ phải cân nhắc đến lập trường của người dân ở Lebanon.

Mặc dù Hezbollah chưa chính thức tuyên bố sẽ tham gia chiến đấu, nhưng sự liên can của họ đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực. Đối với Israel, điều đó có nghĩa là họ đồng thời phải chiến đấu với Hamas ở biên giới phía Nam và Hezbollah ở biên giới phía Bắc. Cũng có những lo ngại rằng sự can dự sâu hơn của Hezbollah cũng có thể dẫn đến nguy cơ Israel trả đũa Iran. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 14/10 thông báo, Lầu Nam Góc sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải nhằm tăng cường an ninh cho Israel và ngăn xung đột lan rộng. Theo quan chức này, Washington lo ngại sâu sắc rằng, Hezbollah và các nhóm khác được Iran hậu thuẫn sẽ đưa ra quyết định sai lầm khi mở rộng cuộc chiến.

Chuyên gia Anthony Elghossain, một nhà phân tích cấp cao của Viện New Lines có trụ sở tại Washington, cũng nhận định, mặc dù cả Israel và Hezbollah đều không muốn tham gia vào "cuộc xung đột vũ trang đáng kể và kéo dài", nhưng vẫn có nguy cơ leo thang - ngay cả khi không có một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza - nếu một trong hai bên tính toán sai lầm và vượt qua các quy tắc thông thường.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.