‘Mốt” chơi gốc phi lao tàn phá rừng phòng hộ ven biển

Thứ Tư, 15/07/2009, 11:04

Hơn hai tháng qua, "cơn sốt" cây cảnh đã dẫn dắt nhiều đội quân xâm nhập những khu rừng phi lao ven biển các xã An Hải, An Chấn, An Ninh Đông - huyện Tuy An (Phú Yên) để săn lùng, đốn hạ và đào bới những gốc cây cổ thụ.

Lần theo nguồn tin đó, chúng tôi đi xe máy vượt chặng đường hơn bốn chục cây số từ TP Tuy Hòa ra An Hải trong cái nắng chói chang giữa mùa hạ. Gửi xe ở một ngôi nhà ven đường, lội bộ vào rừng phi lao thôn Đồng Nỗ mới hiểu hết sự thật về "cơn sốt" gốc cây cổ thụ đang bùng phát ở đây.

Ngày đầu, trong vai những người đi giăng bẫy bắt dông làm chả để nhậu, chúng tôi tiếp cận một người đàn ông trung niên ở tận khu phố Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa đang cầm cuốc đào bới cát, dọn chân gốc rễ hai cây phi lao đại thụ có dáng thế rất đẹp. Mở rộng hiện trường, chúng tôi nhìn thấy nhiều cây phi lao khác đã được ai đó vội vã dọn gốc sơ sài với mục đích thông báo cho người khác biết "đã có chủ".

Trong lúc người đàn ông đang cầm chiếc cưa cắt rễ phi lao, thì nhóm săn cây cảnh khác do một thanh niên địa phương tên là Sở dẫn đường tới đây "khảo sát" gốc phi lao. Thấy gốc cây đẹp, một người trong nhóm ra hiệu cho Sở tìm gặp chủ rừng gây sức ép phải "nhượng" lại cho nhóm này một gốc với giá 1,5 triệu đồng. Thuê nhân công đào bới, đưa lên xe bò chở ra tới đường lộ cách đó vài trăm mét, cộng tiền xe ôtô vận chuyển từ An Hải về tới TP Tuy Hòa, giá thành gốc cây phi lao này lên tới 2,7 triệu đồng.

Chưa biết khi đến tay giới đại gia có nhu cầu trang trí sân vườn trong khu biệt thự của mình, gốc cây cảnh đó sẽ lên tới giá bao nhiêu, nhưng rừng phòng hộ ven biển đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Có nhiều gốc cây to đến mức dân săn lùng cây cảnh phải thuê xe cẩu của doanh nghiệp tư nhân Trung Hiếu bốc xếp, vận chuyển về thành phố.

Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại Đồng Nỗ giả vờ tìm mua gốc phi lao, chưa kịp hỏi thì một thanh niên tên Tùng đã đón đầu: "Để em dẫn đường anh đi xem mấy gốc đẹp lắm, muốn gốc nào tụi em đào, rồi khiêng lên xe bò vận chuyển ra đường lộ cho anh". Nghe chuyện, một người đàn ông trung niên tên là Phước bám theo xin số điện thoại của tôi để liên hệ bán gốc phi lao.

Hàng loạt gốc phi lao bị đào bới.

Ở lại An Hải hai ngày, chúng tôi thật sự bất ngờ khi được biết những đội quân săn lùng gốc phi lao đang bám trụ ở đây mỗi ngày không dưới chục người. Ngoại trừ những tay "cò" là dân địa phương như Tâm, Tùng, Sở, Phước… chúng tôi còn phát hiện một công chức ở huyện Tuy An cũng tranh thủ làm "cò" dắt mối bán gốc phi lao.

Sau khi vận chuyển gốc phi lao về đến TP Tuy Hòa, giới săn lùng cây cảnh cắt tỉa, tạo vóc dáng, ủ gốc bằng cát mịn, bọc thân cây bằng bao đay và tưới nước mỗi ngày để gốc mọc rễ non, thân ra lá rồi mới bán. Cũng có trường hợp gốc phi lao mới đem về đã có người mua ngay, tùy theo vóc dáng mỗi gốc cây có thể dao động từ năm đến mười triệu đồng, thậm chí có gốc lên tới hai, ba chục triệu đồng.

Từ khi "cơn sốt" gốc phi lao bùng phát hơn hai tháng nay, một đoạn lề phố đường Nguyễn Tất Thành, phường 9, TP Tuy Hòa đã bị giới kinh doanh cây cảnh xâm chiếm để ủ hàng chục gốc phi lao. Vài ba ngày có người đến mua rồi thuê xe cẩu lên ôtô tải vận chuyển về Nha Trang, Quy Nhơn, nhưng ngay sau đó đã có hàng chục gốc phi lao mới được giới săn lùng cây cảnh đưa về ủ tiếp. Đó là chưa kể đến hàng chục gốc phi lao "thường trực" trong sân vườn của những người dân ở phường 8, phường 9, xã Bình Kiến.

Và điều đáng nói là không riêng ở xã An Hải, mà nhiều khoảnh rừng phòng hộ ven biển xã An Chấn, An Ninh Đông cũng có những đội quân săn lùng, đào bới gốc cây phi lao, vận chuyển về TP Tuy Hòa.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, rừng phi lao ven biển ở Tuy An đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, nên chủ rừng không chút ngần ngại khi bán gốc phi lao cho giới săn cây cảnh. Đành rằng họ là chủ rừng, nhưng việc khai thác phải được quản lý, quy hoạch cụ thể và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Không thể vì lợi ích cá nhân mà xâm hại rừng phòng hộ gây ra những hiểm họa khó lường khi biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng.

Được biết, ngày 2/7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam". Ngoài việc đánh giá kết quả thử nghiệm trồng rừng phòng hộ ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, hội thảo cũng đã đề ra định hướng tiếp tục triển khai dự án trồng rừng phi lao phòng hộ ven biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dự án này do JICA tài trợ với tổng kinh phí 4,9 triệu USD.

Chúng tôi tự hỏi vì sao tổ chức nước ngoài hỗ trợ trồng rừng phòng hộ ven biển miền Trung, trong khi đó nạn phá rừng từ "cơn sốt" gốc phi lao ở các xã ven biển của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vẫn tái diễn?

Đã đến lúc các cơ quan chức trách ở Phú Yên cần sớm có biện pháp ngăn chặn nạn đào bới gốc phi lao bừa bãi. Bởi lẽ để có những cánh rừng phòng hộ bền vững phải mất vài ba chục năm, trong khi đó chỉ cần một thời gian ngắn buông lỏng quản lý thì nhiều khoảnh rừng sẽ bị đào bới tan hoang

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.