Yếu tố 'nhân tai'

Chủ Nhật, 29/03/2015, 14:11
Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ sập giàn giáo dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, lại phải nhận tin thảm cảnh 13 người chết, 28 người bị thương trong vụ tai nạn tương tự tại công trường Formosa Hà Tĩnh. Xâu chuỗi các vụ tai nạn, trong đó có cả bài học chưa cũ từ vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007) làm 54 người chết và 80 người bị thương cho thấy, tai nạn tại các công trình xây dựng đã và đang diễn biến rất phức tạp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng phân tích nguyên nhân, chỉ ra yếu tố “nhân tai” tại các vụ tai nạn trong chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này, góp phần chủ động phòng ngừa tai nạn trong thi công công trình.                                                   

Phóng viên (PV): Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, lại thêm một vụ tai nạn sập giàn giáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại công trường Formosa Hà Tĩnh. Là “bác sĩ” bắt bệnh hàng trăm sự cố công trình, ông nhìn nhận như thế nào về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn sập giàn giáo tái diễn gần đây?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Tôi không trực tiếp tham gia thẩm định vụ tai nạn, nhưng được biết cơ quan chức năng đã công bố nguyên nhân trực tiếp ban đầu của vụ tai nạn là do quá trình vận hành, hệ thống má phanh thủy lực của hệ thống giàn giáo bị hỏng. Đây là tai nạn đau thương, đáng buồn nhất là một lần nữa vẫn do lỗi của con người gây ra, mà người ta gọi là “nhân tai”. Bởi lẽ, tai nạn không do động đất, gió mạnh, sức nước...thì điều còn lại phải xem xét yếu tố chủ quan của con người dẫn tới hậu quả đó. Tất nhiên, muốn biết nguyên nhân sâu xa phải đợi cơ quan chức năng điều tra toàn diện.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Chủng.

PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn những yếu tố “nhân tai” để chủ động loại trừ rủi ro, tai nạn trong các công trường?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Các công trình xây dựng là sự hợp thành của nhiều yếu tố, có thể xây dựng trong nhiều năm, do nhiều khâu, nhiều người làm, nhiều loại vật liệu, chịu tác động của nhiều yếu tố kể cả môi trường. Vì thế, có thể khẳng định chất lượng công trình đạt đến đâu là do con người kiểm soát, quyết định. Trong đó, giàn giáo là công trình phụ trợ, có vai trò quyết định đến sự an toàn và chất lượng của công trình.

Chất lượng lao động, tay nghề, đạo đức nghề nghiệp của công nhân... đều tác động tới chất lượng, an toàn công trình. Có thể nói, bất kỳ một hành vi nào của con người tham gia vào quá trình xây dựng công trình, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, kiểm định, nghiệm thu... mà bất cẩn, không tuân thủ đầy đủ quy chuẩn an toàn thì đều là “nhân tai”, có thể dẫn tới rủi ro, tai nạn nếu không sớm loại trừ.

PV: Trong cuộc họp báo mới đây, nhà thầu chính là Công ty Samsung C&T đã thừa nhận thiếu sót trong thi công mà cụ thể là má phanh thủy lực của giàn giáo bị hỏng dẫn tới tai nạn. Đại diện Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh cho biết, trước đó họ từng cử đoàn kiểm tra an toàn lao động, kể cả xử phạt 1 tỷ đồng vì lỗi vi phạm tại công trường này. Theo ông, vì sao đã kiểm tra an toàn mà không kịp thời loại trừ được rủi ro?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Ở đây cần phân biệt rõ chức năng. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội khi tiến hành hoạt động kiểm tra, là họ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn lao động của các đơn vị, con người ở công trình đó.

Còn kiểm tra đánh giá về kỹ thuật (chẳng hạn các bộ phận trong giàn giáo đó có đủ an toàn không-pv) thì thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư mà cụ thể là bộ phận tư vấn giám sát công trình, luật quy định rõ ràng rồi. Riêng về kiểm tra an toàn kỹ thuật, chẳng hạn má phanh thủy lực của giàn giáo trên, nếu đã kiểm tra thì phải thử thấy phanh ăn thì mới đạt.

Vấn đề là việc kiểm tra an toàn kỹ thuật có đảm bảo tôn trọng quy trình, đánh giá được toàn bộ những yếu tố về chất lượng của thiết bị không. Thực tiễn cho thấy, mỗi chi tiết nhỏ như con ốc vít, dây neo, hay các bước thực hiện quy trình đều phải được tôn trọng, mới an toàn.

PV: Riêng về giàn giáo, hai vụ tai nạn kinh hoàng, một ở công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một ở Formosa Hà Tĩnh, trước đó là vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông thấy về nguyên nhân có điểm gì chung cần phải nghiêm túc rút ra để phòng ngừa?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Tôi không tham gia thẩm định hai vụ tai nạn gần đây. Vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ tôi tham gia trực tiếp, thấy rất đau lòng nên không muốn nhắc lại. Nhưng để phòng ngừa thì cần phải nói. Xin nhấn mạnh, giàn giáo là công trình phụ trợ, nhưng có vai trò quyết định sự an toàn và chất lượng công trình.

Nếu giàn giáo đảm bảo, mọi người làm việc trên đó yên tâm, thoải mái, chất lượng thi công sẽ tốt và ngược lại. Nhưng trong thực tế, không ít nhà thầu, kể cả chủ đầu tư đều coi giàn giáo là công trình phụ trợ, có phần xem nhẹ, nên giảm thiểu chi phí đầu tư làm giàn giáo. Mặt khác, làm xong giàn giáo đều phải nghiệm thu, khi đảm bảo chịu được tải, an toàn mới cho đổ bê tông. Nhưng nhiều công trình người ta bỏ qua khâu nghiệm thu giàn giáo.

Bởi lẽ, nếu nghiệm thu thì phải tuân thủ quy trình, kiểm tra từng chi tiết (bu lông, ốc vít, tấm kê...) tốn thêm chi phí, kéo dài thời gian thi công... Tôi được biết, nhiều công trình của Bộ Giao thông vận tải hiện nay người ta không chỉ nghiệm thu, mà buộc phải thử tải giàn giáo, rất tốn kém, nhưng phải làm vì an toàn công trình. Việc bỏ qua khâu nghiệm thu giàn giáo, không thử tải giàn giáo là kẽ hở rất lớn, gây mất an toàn.

PV: Dư luận đã lên tiếng và cơ quan chức năng đã xử lý các đơn vị tại khu công nghiệp Formosa tuyển lao động (kể cả lao động người nước ngoài) kém chất lượng, trái phép...Theo ông, đây có phải là một yếu tố “nhân tai” nguy cơ mất an toàn lao động?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Như tôi đã nói, chất lượng lao động ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công trình xây dựng, đó là chưa kể đạo đức nghề nghiệp của một ai đó không tốt, lại đảm nhiệm khâu quan trọng. Thử hình dung, một kỹ sư làm nhiệm vụ nghiệm thu giá đỡ bị nứt nhưng không phát hiện ra, hay kiểm tra má phanh không nhận biết được nó đã mất hiệu lực...thì hậu quả sẽ như thế nào. Vụ sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu làm chết 8 người, bị thương 37 người bắt nguồn từ hành vi thiếu trách nhiệm của người thi công, nghiệm thu ốc neo không được phát hiện kịp thời như cơ quan điều tra đã kết luận.

PV: Theo ông, để ngăn ngừa những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nói trên, chúng ta cần bắt đầu từ đâu và phải làm những gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng: Phải thắt chặt việc thực hiện quy định quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cái này quy định khá đầy đủ, kể cả công trình hợp tác với nước ngoài. Sự thực, nhiều chủ đầu tư chỉ coi “bên B là chùm khế ngọt”, không làm hết trách nhiệm nên dẫn tới chất lượng công trình có vấn đề, sự cố kỹ thuật, thậm chí xảy ra tai nạn. Tôi khẳng định, không có sự cố công trình nào mà không quy được lỗi, từ đó xác định rõ trách nhiệm của con người.

PV: Xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.