Quảng Trị:

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ Khu công nghiệp Quán Ngang

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:06
KCN Quán Ngang được đầu tư xây dựng năm 2008. Đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước thải của các nhà máy trong KCN đều thải thẳng ra môi trường.

Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) bức xúc phát biểu: “Thời gian qua, xã Gio Quang có ít nhất 5 hécta lúa bị mất trắng, hàng chục hécta lúa khác bị ảnh hưởng cho năng suất thấp, do nguồn nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Quán Ngang gây ra. Nếu tình hình không được cải thiện, chỉ trong nay mai, vựa lúa lớn nhất nhì tỉnh này sẽ bị xóa sổ”. 

Tìm hiểu được biết, KCN Quán Ngang được đầu tư xây dựng năm 2008. Đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước thải của các nhà máy trong KCN đều thải thẳng ra môi trường. 

Trong đó, phần lớn thải ra cánh đồng của xã Gio Quang, khiến cây lúa bị đột biến về sinh trưởng, không đơm bông kết hạt được; số khác hạt bị lép, hầu như không có ruột. 

Bên cạnh đó, Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng đi vào hoạt động từ tháng 8/2013 đến nay và người dân sinh sống ở xã Gio Quang cùng các vùng lân cận đã phải hứng chịu ô nhiễm mùi hôi rất nặng…

Vào giữa tháng 4/2015, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị kiểm tra thực tế tình hình xử lý môi trường tại Nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng, phát hiện quy trình xử lý đã được nhà máy đầu tư vẫn còn thiếu 3 công đoạn trước khi đưa vào bể sinh học kỵ khí, gồm bể keo tụ tạo bông, bể lắng 1, bể tuyển nổi. Ngoài ra, tổng thể tích của toàn bộ hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo như cam kết ban đầu… 

Các cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà máy tạm ngừng sản xuất, khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và mùi hôi mới được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, theo người dân, nguồn nước thải và khí thải của nhà máy thải ra môi trường vẫn còn bốc mùi hôi nồng nặc; sản xuất lúa, hoa màu của bà con vẫn tiếp tục bị thiệt hại… 

Hỏi về trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN ở Quảng Trị nói chung và KCN Quán Ngang nói riêng, ông Trần Văn Hóa, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị, cho biết: “Khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở các KCN Nam Đông Hà và Quán Ngang, Bộ TN&MT đã yêu cầu tỉnh phải xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay, các khu công nghiệp này chưa thể xây dựng được”. 

Thiết nghĩ, việc thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại các KCN nhằm tạo ra lợi ích cho xã hội là điều rất cần thiết, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc đảm bảo môi trường sống và sản xuất của người dân. Vấn đề ô nhiễm tại KCN Quán Ngang cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh gây thiệt hại cho nông dân địa phương.

Thanh Bình
.
.
.