Nhà ở cho công nhân: Vừa thiếu, vừa rởm

Thứ Bảy, 14/10/2023, 07:13

Công nhân lao động khó khăn về nhà ở, câu chuyện đã không còn mới, thế nhưng nhiều năm qua các chính sách phát triển nhà ở cho công nhân chưa phát huy được hiệu quả khi mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Hàng trăm nghìn, hàng triệu công nhân lao động đang phải ở thuê trong những căn phòng trọ tồi tàn, trong khi đó có những khu nhà ở được đầu tư xây dựng lại chưa phát huy được hiệu quả do bất cập trong quản lý, thiết kế công năng sử dụng.

Căn hộ thiết kế cho 20 công nhân chỉ có 1 nhà vệ sinh

Thông tin với báo chí ngày 12/10 xung quanh vấn đề nhà ở cho công nhân, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, nhà ở công nhân trên địa bàn hiện nay đang thiếu trầm trọng. Toàn thành phố hiện có gần 170 nghìn công nhân khu công nghiệp, trong đó người ngoại tỉnh chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, thành phố mới có ba khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án nhà ở cho công nhân lao động, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Khoảng 80% số lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà do người dân tự đầu tư xây dựng trong các khu dân cư. Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã ít, trên thực tế còn không phù hợp với nhu cầu của công nhân lao động.

"Nhà ở là vấn đề cấp thiết, bức xúc với công nhân lao động nói chung, công nhân ở khu công nghiệp chế xuất nói riêng. Thế nhưng, có một vấn đề qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, có dự án nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng và đã đưa vào sử dụng lại phát sinh những bất cập. Ví dụ như 15 khu nhà xã hội ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội đang có nhiều bất cập trong quản lý. Một số khu nhà còn phòng trống nhưng công nhân không tiếp cận được. Hoặc công năng phòng ở không phù hợp với thực tế. Đơn cử, một căn hộ tập thể thiết kế cho 20 công nhân ở nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh. Công nhân làm ca đến giờ đồng loạt bật dậy đi làm sẽ rất bất cập", ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết.

Nhà ở cho công nhân: Vừa thiếu, vừa rởm -0
Đa số công nhân lao động hiện đang phải ở thuê trong những khu nhà trọ xuống cấp, chật hẹp.

Nói về khó khăn nhà ở của công nhân khu công nghiệp hiện nay, ông Dưỡng cho biết, mức thống kê về thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, cộng thu nhập cả 2 vợ chồng cũng không thể nào mua được nhà ở xã hội giá trị 1 - 2 tỷ đồng. Do đó, khi sửa đổi Luật Nhà ở tới đây cần có cơ chế đầu tư, quản lý, phân phối nhà ở xã hội với nhiều phân khúc để người lao động có thể tiếp cận.

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Thực tế còn số lượng lớn công nhân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở, trong khi số lượng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân còn thấp so với nhu cầu… Thống kê hiện nay, cả nước đang có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Nhà ở công nhân mặc dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 sàn, vậy nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Huy động mọi nguồn lực tham gia

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, các nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đạt yêu cầu đề ra là do thiếu quỹ đất; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; nguồn vốn vay ưu đãi còn nhiều hạn chế, điều kiện mua nhà ở xã hội còn vướng mắc... "Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, để giảm bớt thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc xét duyệt đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Tại dự thảo Luật, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trường hợp công nhân, người lao động thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần hợp đồng lao động và xác nhận đang làm việc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Trường hợp thuê nhà ở xã hội, người lao động chỉ cần đáp ứng là đối tượng. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, dự luật quy định người lao động cần đáp ứng 2 điều kiện là có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở và bỏ điều kiện xác nhận cư trú.

Về vay vốn, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tiếp tục kế thừa quy định hiện hành theo hướng các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (có hợp đồng mua - bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư) thuộc nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi, điều kiện được vay phải đáp ứng quy định theo pháp luật về tín dụng. Với những điều chỉnh này, công nhân lao động sẽ dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.

Đứng ở góc độ là một chuyên gia, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để phát triển nhà ở công nhân là phù hợp với thực tiễn. Tuy vậy, có một vấn đề cần có sự điều chỉnh để tăng nguồn cung cho loại hình nhà ở này là huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc đưa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào dự thảo Luật là đối tượng được tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân là hợp lý.

"Đối với phát triển nhà ở công nhân, đây là vì an sinh xã hội, chính vì thế chúng ta cần huy động mọi nguồn lực chứ không chỉ riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tôi cho rằng, các tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia vào công cuộc phát triển nhà ở cho công nhân thì đều có thể tham gia. Chẳng hạn tại một khu công nghiệp nào đó, có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào đó có khả năng tài chính để tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thì nên để người ta tham gia. Hoặc đối với các doanh nghiệp, họ sử dụng lao động, để thể hiện trách nhiệm xã hội thì họ cũng có thể tham gia. Không nên ghi cụ thể vào trong luật là chỉ có tổ chức này, tổ chức kia. Ghi vào luật là chết cứng ở đó, muốn sửa đổi rất phức tạp", GS Đặng Hùng Võ nói.

Phan Hoạt
.
.
.