Người dân ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ” phải nêu cao cảnh giác để phòng dịch

Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:03

Hà Nội chuẩn bị hết đợt giãn cách thứ 3 theo Chỉ thị 16, song diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, vẫn phát sinh ổ dịch mới, ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đến tối 2/9, ổ dịch lớn nhất ở Thủ đô là Thanh Xuân Trung đã có 393 ca dương tính và dự báo vẫn sẽ có các ca bệnh tiếp theo.

Hai ổ dịch mới phát sinh là Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân và xã Đông Dư, huyện Gia Lâm đã xuất hiện các ca F1 thuộc chùm ho sốt cộng đồng. Tại Hà Nội, còn rất nhiều “ngõ nhỏ, phố nhỏ” dân cư đông đúc, chật chội, nhiều khu tập thể cũ nhà san sát…là nguy cơ cao thành ổ dịch nếu có ca F0 mà người dân lại không tuân thủ tốt 5K.

Người dân ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ” phải nêu cao cảnh giác để phòng dịch -0
Quận Thanh Xuân di dời người dân ở ổ dịch ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung đến nơi cách ly y tế tại Trường Đại học FPT.

Ý thức người dân vô cùng quan trọng

Những ngày cuối cùng của đợt giãn cách thứ 3, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện người dân đi lại nhiều hơn. Tại một con ngõ nằm trên đường Thụy Khuê, Hà Nội, thường ngày nơi đây có chợ cóc hoạt động, khi giãn cách xã hội chợ đã bị dẹp. Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, người dân ở đây phần lớn chấp hành nghiêm. Song những ngày gần đây, một số người đã tranh thủ bán hàng trở lại, người dân đi ra ngoài nhiều hơn, trẻ em được cho ra ngõ chơi, đạp xe. Một người dân ở đây giải thích: “Nhà chật chội, các cháu ở trong nhà lâu quá bí bách nên cho ra đạp xe”.

Tại một ngõ nhỏ nằm trên đường Trường Chinh, trong ngõ có 11 hộ gia đình là người thân thích, họ hàng, những ngày giãn cách họ vẫn qua lại nhà nhau ăn uống, trẻ con vẫn ra ngõ nô đùa. Một số người dân lo ngại, có nhắc nhở, song không ăn thua.

Ở Hà Nội, có nhiều khu dân cư chật chội, mấy gia đình chung nhau một sân, nên việc ra vào, qua lại là không tránh khỏi. Để thực hiện giãn cách, các hộ đã hạn chế ra khỏi nhà, song có một số người cho biết, “bí bách quá, không thể không ra ngoài”.

Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, ý thức của người dân là rất quan trọng, nếu không bóc tách được triệt để các F0 ra khỏi cộng đồng thì còn rất nguy hiểm, nên càng ở trong các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” thì người dân càng phải nâng cao công tác phòng dịch như tuân thủ 5K, cách ly giữa người với người phải thực hiện nghiêm túc. Ổ dịch tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung là một ví dụ. Do đất chật, mật độ dân cư cao, người dân ở khu tập thể sử dụng nhà vệ sinh chung, nên virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng ở khu vực này. Biến chủng Delta lại có tốc độ lây nhiễm rất cao ở khoảng cách gần, có khi chỉ tình cờ “va” nhau trong ngõ cũng có thể lây bệnh.

Nói về ý thức của người dân trong phòng bệnh, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, trong quá trình điều tra dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch, các cán bộ của CDC đã gặp nhiều trường hợp ý thức còn kém, cãi lại khá gay gắt…Hay có trường hợp F1 khi chưa đi cách ly tập trung, tổ trưởng dân phố yêu cầu ở tại nhà chờ nhưng vẫn đi ra ngoài, những người không biết đây là F1 nên vẫn tiếp xúc. Hay có hai vợ chồng F1 hết thời hạn cách ly tập trung, về nhà cách ly tiếp 14 ngày, song vẫn đi ra ngoài, mấy ngày sau ho, sốt, đi xét nghiệm thì dương tính…

Người dân ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ” phải nêu cao cảnh giác để phòng dịch -0
Một chốt kiểm soát bảo vệ vùng xanh tại Hà Nội.

Hà Nội có tiếp tục giãn cách?

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), Hà Nội có 4 ổ dịch có nguy cơ bùng phát cao là Văn Chương - Văn Miếu (quận Đống Đa), Linh Đàm và Kim Đồng (Hoàng Mai), nóng nhất là Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Bên cạnh đó, có hai ổ dịch nhỏ mới xuât hiện là Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) do có 1 người đi từ Thanh Xuân về đã lây sang 2 người nhà.

Qua điều tra, phần lớn các ca bệnh xuất hiện trong chuỗi lây nhiễm cung ứng hàng hóa, các điểm chợ. Bên cạnh các ổ dịch được phát hiện cũng không loại trừ còn ca bệnh dương tính lẩn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện ra. Đơn cử, từ 18h ngày 1/9 đến 18h ngày 2/9, Hà Nội đã phát hiện 5 ca bệnh trong cộng đồng thông qua ho, sốt đi khám.

Theo nhận định của chuyên gia, với kết quả của 2 đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng với hơn 1 triệu người được lấy mẫu, Hà Nội phát hiện có 83 F0, tương ứng tỷ lệ dương tính xấp xỉ 0,007%, cho thấy dịch tại Hà Nội chưa bùng phát mạnh trên toàn thành phố mà khu trú tại một số điểm nóng.

Tuy nhiên, đến 6/9, Hà Nội hết đợt giãn cách thứ 3, liệu TP có tiếp tục giãn cách nữa hay không? Theo ông Phu, việc phân tích có giãn cách tiếp hay không, không chỉ căn cứ vào yếu tố dịch mà còn nhiều yếu tố liên quan khác. Bởi nếu chỉ nhìn vào con số dịch tễ để giãn cách là chưa đúng, ví như Newzealand chỉ vài chục ca họ đã thực hiện giãn cách. Australia cũng tương tự nhưng ở Nhật Bản, hàng chục nghìn ca lại không giãn cách… Giãn cách còn phụ thuộc nguy cơ dịch từ bên ngoài xâm nhập vào, việc kiểm soát đến đâu, áp lực y tế, khả năng kinh tế…

Ông Phu cũng cho rằng, Hà Nội nếu gỡ bỏ giãn cách cần tính phương án kịch bản cụ thể, ví như xác định khu vực nào chưa nới bỏ giãn cách, thậm chí phải thực hiện nghiêm ngặt hơn. Ngay cả khi nới lỏng, các hoạt động vẫn cần quy định hoạt động nào có nguy cơ lây nhiễm cao cần tiếp tục dừng để kiểm soát dịch bệnh.

Trần Hằng
.
.
.