Nên có bảo hiểm trong đảm bảo an toàn cây xanh

Thứ Bảy, 08/04/2023, 09:35

TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, cùng với đó là các vụ gãy đổ cây xanh luôn là điều gây lo lắng cho người dân đô thị. Bởi tai nạn liên quan đến cây xanh ở các thành phố lớn đã không còn là hiếm gặp mà trong những năm qua xảy ra khá phổ biến. Sau khi các vụ việc liên quan đến cây xanh ngã đổ, việc bồi thường của các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm liên quan lại rất hạn chế.

Trước đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã từng nhắc tới “bảo hiểm cây xanh”, nhưng đến nay câu chuyện này vẫn chưa thể triển khai. Và mới đây, khi vụ tai nạn cây xanh bật gốc xảy ra tại Trường THCS Trần Văn Ơn (đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1) một lần nữa vấn đề “bảo hiểm cây xanh” lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại hiện trường vụ cây me tây cổ thụ nằm trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn bật gốc đổ ra đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, làm nhiều người bị thương. Trong đó, một nam sinh lớp 7 của trường này đã bị gãy xương đùi trái và một thai phụ bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng cụt bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái… Cây xanh này thuộc sự quản lý của trường học, do đó việc chăm sóc, theo dõi tình trạng của cây cũng như xử lý sau tai nạn đều do phía nhà trường thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng cần có một đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm bồi thường thỏa đáng khi để cây gẫy đổ gây ra tai nạn.

Nên có bảo hiểm trong đảm bảo an toàn cây xanh -0
Hiện trường vụ cây me tây cổ thụ nằm trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Bùi Thị Thanh Bạch (ngụ quận 1) cho biết: “Theo tôi thấy, việc kiến nghị mua bảo hiểm khá là hợp lý, vì khi đó bên bán bên mua sẽ có trách nhiệm kiểm tra chéo nhau, có định kỳ kiểm tra xử lý tình trạng cây. Còn người dân thì cũng được chi trả khi tai nạn xảy ra”.

Cùng ý kiến, chị Nguyễn Thị Loan (ngụ quận 12) cũng cho rằng: “Mua bảo hiểm cây xanh là hoàn toàn hợp lý. Hợp lý cho người dân và cả hợp lý cho bên bảo vệ cây xanh. Cả người dân và bên bảo vệ cây xanh cũng có quyền lợi. Cái gì cũng có hai mặt trái, phải nhưng mà người dân ra đường mà có bảo hiểm thì vẫn hơn”.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Cây xanh, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Công ty cũng mong muốn có một đơn vị nào đó đứng ra bán bảo hiểm dạng này. Bởi về phía công ty thì chỉ hỗ trợ phần nào từ nguồn quỹ công ty thôi. Còn khi bồi thường thì chỉ trong trường hợp do phía công ty không làm đúng quy trình, còn những vụ tai nạn thì phần lớn là do mưa bão, nên chỉ hỗ trợ thôi. Ví dụ: Cây tươi mà bị bật gốc hay gẫy nhánh mà cây đó đã chăm sóc rồi thì đó là đánh giá sự cố không mong muốn”.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng “bảo hiểm cây xanh” cần được nghiên cứu kỹ. Tốt nhất là loại bảo hiểm dành cho đơn vị quản lý cây xanh mua, còn đối tượng hưởng quyền lợi bảo hiểm này là các nạn nhân bị ảnh hưởng do cây gãy đổ gây ra. Ngoài ra, về lâu dài thành phố căn cứ theo danh sách loại cây “cấm trồng” áp dụng cả trường hợp trên đường phố cũng như trong khu vực tập trung đông người như trường học, bệnh viện, nhà ga… để hạn chế những tai nạn đáng tiếc.

Trần Quyết – P. Lữ
.
.
.