Miền núi A Lưới quyết tâm ra khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia

Chủ Nhật, 01/10/2023, 08:18

Thừa Thiên Huế đang tập trung, thực hiện nhiều giải pháp để đưa huyện miền núi A Lưới thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo Quốc gia vào cuối năm 2023. Đây cũng là tiêu chí góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Là một trong những hộ gia đình khó khăn sinh sống tại xã biên giới Việt - Lào, gia đình bà Lê Thị Hồng ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, đã bắt đầu tự chủ trong kinh tế. Theo bà Hồng, với sự đồng hành của Hội Nông dân xã Quảng Nhâm, năm 2018, gia đình bà được bình xét cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. “Từ nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của hội, tôi đã khai hoang và trồng rừng ở khu vực sông A Sáp, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trâu. Năm 2022, tôi tiếp tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để làm ăn. Nhờ được sự quan tâm quý báu này, từ hộ khó khăn, hơn 2 năm nay, gia đình tôi đã ổn định hơn, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, con cái được học hành”, bà Hồng vui mừng kể thêm.

Miền núi A Lưới quyết tâm ra khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia -0
Nghề dệt zèng đã giúp nhiều phụ nữ A Lưới thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đầu năm 2022, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98 % và hộ cận nghèo 2.185 hộ, chiếm tỷ 15,55%. Kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo cuối năm 2022 còn lại là 5.399 hộ nghèo (giảm 1.623 hộ) và hộ cận nghèo 2.078 hộ (giảm 107 hộ).

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), thời gian qua, huyện A Lưới đã được cấp trên quan tâm, hỗ trợ các chính sách, đầu tư nhiều nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo… Đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển là trên 121 tỷ  đồng đạt 38% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn năm 2022 cho phép kéo dài thực hiện năm 2023 gần 85 tỷ đồng đạt 60%; vốn giao năm 2023 là 36,5 tỷ đồng đạt 21%...

Đến cuối tháng 9/2023, UBND huyện A Lưới đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 920 hộ, trong đó 684 nhà làm mới và 236 nhà sửa chữa. Hiện nay, các hộ dân đang thi công, tiến độ đạt khoảng 70%. Thời gian qua, huyện A Lưới đã triển khai thực hiện “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, giai đoạn I (từ năm 2021 đến 2025) theo hướng khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường nhằm phát huy tiềm năng nguyên liệu và lao động tại chỗ nhất là lao động người dân tộc thiểu số, hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện.

Nhằm chung tay tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân tộc thiểu số, giữa tháng 9/2023, lần đầu tiên Ngày hội việc làm được đưa đến huyện miền núi A Lưới với hơn 4.100 chỉ tiêu tuyển dụng. Các ngành nghề tuyển dụng đa dạng, phù hợp với các trình độ lao động khác nhau, như: may công nghiệp, chế biến món ăn, y học cổ truyền, kinh doanh, kế toán, kỹ sư, cơ khí, điện lạnh, điện tử… “Ngày hội việc làm lần đầu tiên được tổ chức quy mô ở huyện như chiếc cầu nối giúp các bạn trẻ trên địa bàn huyện tìm kiếm cơ hội việc làm đúng nguyện vọng và chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp uy tín”, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo GNBV huyện đã thực hiện việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực từ 3 chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi) tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo… Trên cơ sở những đóng góp của hoạt động tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế địa phương, huyện A Lưới mong muốn ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục đồng hành cùng huyện trong thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 đưa A Lưới ra khỏi 74 huyện nghèo quốc gia và đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 12,01%...

Ngày 27/9 vừa qua, tại buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về tình hình thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và kế hoạch đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo Quốc gia; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các cấp, ngành của tỉnh cùng chính quyền huyện A Lưới cần tập trung cho công tác GNBV, phấn đấu đưa A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023. Hoàn thành mục tiêu này sẽ góp phần vào tiêu chí đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện A Lưới cần tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG trong năm 2023. Xác định GNBV là mục tiêu quan trọng, phải bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn để triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, huyện phải chú trọng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và xóa nhà tạm cho hộ nghèo…

Hải Lan
.
.
.