Ngộ độc thực phẩm: Đừng chỉ xử lý phần “ngọn”

Chủ Nhật, 12/04/2015, 14:33
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng từ đầu năm 2015 tới nay, trên cả nước đã xảy ra tới 4 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nghiêm trọng với số người mắc từ hàng trăm trở lên. Vụ ngộ độc trước chưa thanh kiểm tra xong, nguyên nhân, “thủ phạm” còn đang truy xét, đã xảy ra vụ ngộ độc sau…

Điều đáng nói, trong quá trình giám sát, xử lý vi phạm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc khu vực bếp ăn tập thể, các cơ quan chức năng vẫn đang xử lý “ngọn” mà cái gốc để ngăn chặn NĐTP thì chưa giải quyết được.

Vụ việc NĐTP tập thể mới đây nhất xảy ra tại Công ty TNHH Thời trang Star (nằm trong khu công nghiệp Hà Nội) vào ngày 7/4/2015 khiến  hơn 100 công nhân phải nhập Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, trong đó đều được xác định bị rối loạn tiêu hoá, với nhiều triệu chứng điển hình của NĐTP. Chiều cùng ngày vẫn còn 37 ca phải nằm theo dõi. Vụ NĐTP xảy ra sau khi trên 2.000 công nhân được ăn trưa và ăn tối tại bếp ăn của công ty gồm món rau cải luộc, canh rau ngót, cá và trứng... 

Riêng trên địa bàn TP HCM từ tháng 2 tới đầu tháng 3/2015 đã xảy ra 2 vụ NĐTP tại Công ty TNHH Wooyang Vina II (địa chỉ 579/1 Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12) vào trưa 5/2/2015 làm 80 công nhân nhập viện. 

Đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu hàng đầu.

Cũng trong tháng 3/2015, lần đầu tiên tại khu vực trung tâm của TP HCM là ở quận 3 đã xảy ra vụ NĐTP tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (183 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3) cũng sau bữa ăn trưa, làm 65 học sinh mắc và 4 em nhập viện với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Vụ việc này được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP HCM công bố nguyên nhân do món ăn tráng miệng là chuối cau nhiễm vi sinh Escherichia Coli.

Và vụ việc NĐTP tập thể được coi là nghiêm trọng nhất trên cả nước dịp đầu năm này xảy ra vào ngày 26/3/2015 tại Công ty TNHH CY Vina (Khu công nghiệp Long Đức, TP Trà Vinh) với 229 công nhân phải nhập viện cũng lại rơi vào bữa ăn trưa gồm: cơm trắng, gà chiên, tim – phổi heo xào và cải bắp luộc.

“Thủ phạm” gây ra các vụ NĐTP tập thể trên đều đã được công bố sau khi kiểm nghiệm mẫu thực phẩm. Vẫn là vi khuẩn E. coli, vẫn là Samonella, hay vi khuẩn “tụ cầu vàng”, Histamine... nhưng đã làm mất rất nhiều thời gian của các Labor xét nghiệm, trong khi chờ kết quả cả tháng mới có thì đã xảy ra vụ ngộ độc kế tiếp.

Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV-TM Mai Xuân Quý (số 72A/25A khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Wooyang Vina II với tổng số tiền là 24 triệu đồng, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn, xử phạt và đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.

Điều đáng chú ý là trong khi các cơ quan chức năng đang bận rộn với việc triển khai các hoạt động cho công tác đảm bảo ATTP năm 2015, phát động tháng VSATTP, thì tại địa bàn tỉnh Bình Dương, người dân hiện rất bức xúc vì trong tháng 3 vừa qua, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Long Bình (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) đã phát hiện và kịp ngăn chặn một chiếc xe tải chở hàng chục ký cá thối, thịt heo đã bốc mùi do Công ty Phú Nhật Hào (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) định tuồn vào bếp ăn trường học.

Dư luận còn đang thắc mắc tại sao cơ sở này chưa bị xử lý, thì mới đây, vào trưa 9/4, 15 học sinh của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Bến Cát - Bình Dương), có ký hợp đồng với Công ty Chu Nhật Hào trong cung cấp suất ăn, đã trở thành những nạn nhân đầu tiên phải nhập viện do NĐTP. Qua thanh tra mới phát hiện có tới 20 trường học trên địa bàn có ký hợp đồng với Công ty Phú Nhật Hào.

Tại cuộc họp triển khai công tác ATTP năm 2015 của TP HCM, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH - CN đã cho rằng, cần phải xử lý hành vi vi phạm về ATTP theo Luật Kinh tế. Ngoài ra, việc quản lý thực phẩm phải thông qua chuỗi ATTP.

Hiện thị trường đã có những nhà cung cấp đảm bảo an toàn về thịt gia súc, gia cầm sạch, rau sạch. Chỉ cần có quy định bắt buộc các nhà cung ứng suất ăn sẵn phải tham gia vào chuỗi ATTP cũng đã giảm thiểu được rất nhiều vụ NĐTP. Nếu có xảy ra thì việc truy nguyên nhân cũng sẽ nhanh chóng. Đây là một trong những biện pháp xử lý phần gốc của vấn đề. Còn mọi việc tiến hành sau khi NĐTP đã xảy ra, như truy tìm nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm, xử phạt, đình chỉ hoạt động… đều chỉ là xử lý “phần ngọn” mà thôi.

Huyền Nga
.
.
.