Dự án thoát nước ì ạch, Hà Nội thấp thỏm trước mùa mưa

Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:13
Theo ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước giai đoạn II, vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ là GPMB.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2006. Đã 9 năm trôi qua, dự án này vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng (GPMB) dù đã “đội giá” lên 2.000 tỷ đồng... Tính đến thời điểm này, còn 540 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư gần 27 tỷ yên theo Hiệp định vay vốn ODA vay ưu đãi của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản chỉ kéo dài đến hết năm nay. Nếu quá thời hạn này, dự án sẽ không được giải ngân. Liệu Hà Nội có kịp hoàn thành dự án trong năm 2015 khi đã gần hết quý I vẫn chưa xong GPMB?

Theo phê duyệt Dự án ban đầu, thời gian thực hiện Dự án từ tháng 12/2006 đến tháng 10/2010. Sau đó, đến ngày 12/6/2008, UBND TP Hà Nội lại ra Quyết định “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II”,  bổ sung một số hạng mục đầu tư như: cống hóa mương Vôi Ba Nhất chiều dài khoảng 250m trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nối ra sông Sét; cống hóa mương Giáp Nhị chiều dài khoảng 150m và cải tạo cầu L1 trên địa bàn quận Hoàng Mai; cống hóa mương Phương Mai từ phố Lương Định Của đến sông Lừ dài khoảng 320m trên địa bàn quận Đống Đa…

Cải tạo, nạo vét một số hồ như hồ Hạ Đình, hồ Đầm Chuối. Xây dựng kênh E dài khoảng 1.000m nối từ hồ Linh Đàm vào hạ lưu sông Kim Ngưu. Cải tạo tuyến cống cũ Lò Đúc, xây dựng tuyến cống Trần Khát Chân…

Vì thế, thời gian thực hiện Dự án được điều chỉnh đến hết năm 2011. Nhưng đến nay, rất nhiều đoạn tuyến dở dang và theo dư luận, dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2015 như cam kết.

Điều đáng nói, nguồn vốn của phía Nhật Bản chiếm tới 75,43% tổng mức đầu tư của Dự án được phân bổ cho chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị, dịch vụ tư vấn thiết kế và sẽ chỉ kéo dài thời gian giải ngân trong năm 2015. Vốn đối ứng trong nước được sử dụng cho đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí cho Ban Quản lý Dự án, thuế nhập khẩu thiết bị.

Đường phố Hà Nội trong một trận ngập úng. Ảnh: Việt Đức

Theo ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước giai đoạn II, vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ là GPMB.

Tổng diện tích thu hồi đất của dự án khoảng 311,19ha, liên quan đến 8.991 trường hợp giải tỏa. Công tác GPMB đã đạt 94% nhưng còn tới 540 trường hợp chưa giải quyết được.

Ông Cường cho biết, công tác quản lý đất đau đã bị buông lỏng trong thời gian dài, nhiều hộ dân lấn chiếm, mua bán trao tay qua nhiều chủ, nhất là đất ở các rìa sông, nơi xen kẹt, nên rất khó cho việc lên phương án bồi thường do rất khó xác định chủ lô đất.

Chính vì những vướng mắc này, dự án đã đội giá thêm lên 2.000 tỷ đồng, từ 6.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng.

Hà Nội lại thấp thỏm trước mùa mưa.

Trước những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận, huyện có Dự án đi qua.

UBND TP giao UBND quận Ba Đình khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt phương án cưỡng chế, tổ chức thực hiện trong tháng 3 đối với các hộ dân không bàn giao mặt bằng, đặc biệt là 3 hộ dân trước đình Đại Yên thuộc hạng mục tuyến mương T2C.

UBND quận Hai Bà Trưng rà soát, trả lời đơn thư và lập phương án, tổ chức cưỡng chế 6 hộ dân không bàn giao mặt bằng thuộc hạng mục sông Sét trong tháng 3.

UBND quận Cầu Giấy vận động 6 hộ dân còn lại chấp hành phương án GPMB, nhận tiền và bàn giao mặt bằng trong tháng 3.

Nếu tiến độ không đáp ứng, phải có phương án cưỡng chế ngay để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

UBND quận Tây Hồ giải quyết dứt điểm 24 hộ cắt xén còn tồn tại và bàn giao mặt bằng ngay trong tháng 3.

Quận Đống Đa phải giải tỏa toàn bộ chợ quần áo cũ và phần đất công thuộc hạng mục đường dọc sông Lừ.

Ngoài ra, phải giải tỏa 97 hộ dân thuộc các hạng mục kênh mương không chấp hành giải phóng mặt bằng sau 3 lần thông báo.

Địa bàn phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất là Hoàng Mai, với 168 phương án thuộc hạng mục đường dọc sông và 217 phương án liên quan đến các tuyến kênh, mương, hồ.

Và đã sang tháng 4 nhưng chưa có báo cáo kết quả thực hiện từ các quận, huyện về việc giải quyết các trường hợp trên.

Tuy nhiên, nhìn vào kinh nghiệm GPMB của Hà Nội ở nhiều dự án lớn trước đây, có thể thấy, kỳ vọng giải quyết hết 540 trường hợp, có phương án giải tỏa chỉ trong 1 hay 2 tháng là điều bất khả thi.

Trong khi một mùa mưa mới lại đang hiện hữu. Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục có những điểm đen ngập úng chứ chưa thể cơ bản thoát ngập như kế hoạch trước đó.

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Hà Nội cơ bản không ngập nếu có mưa dưới 50mm kéo dài 2 giờ, mưa từ 50 - 100mm thì xảy ra 23 điểm úng ngập tại 12 quận nội thành và huyện Thanh Trì (trong đó nặng nhất là quận Hoàng Mai có 7 điểm úng ngập), trên 150mm/4 giờ thì ngập 46 điểm.

Nguyên nhân chính là các điểm này nằm trong khu vực trũng, hệ thống tiêu thoát nước không thuận gây xung đột dòng chảy, sau khi tạnh mưa 1 giờ nước mới có thể thoát hết.

Chi Linh
.
.
.