Mô hình ‘Dòng họ bình yên’ ở Tủa Chùa, Điện Biên:

Điểm sáng về an ninh, trật tự nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ Sáu, 31/07/2015, 06:26
Trước đây, Tủa Chùa, huyện Điện Biên vốn nổi danh là “vựa” trồng cây thuốc phiện. Đến Tủa Chùa hôm nay, nhiều người sẽ ngạc nhiên về sự đổi thay của vùng đất này, loài cây độc đã không còn đất sống, thay vào đó là cây lúa, cây ngô, cây đỗ tương và những thảm rừng tái sinh, rừng keo mới… 

Trong những ngày trung tuần tháng 7, theo chân các anh Đội An ninh nhân dân đến xã Mường Báng, chúng tôi vào gặp mặt dòng họ Mào đúng lúc các thành viên trong dòng họ đang họp sơ kết 6 tháng đầu năm.

Ông Mào Văn Niêm – trưởng dòng họ cho biết, mỗi năm dòng họ họp 2 lần để ghi nhận những kết quả hoạt động của cả dòng họ về ANTT và phát triển kinh tế hộ gia đình, chia sẻ kinh nghiệm mô hình chăn nuôi và trồng rừng, thăm hỏi động viên con cháu trong dòng họ sau mỗi năm học; đồng thời bác đại diện trưởng dòng họ cũng mời các anh cùng đi thăm anh Mào Văn Ơi, một thành viên trong dòng họ đã từng có một thời lầm lỗi hiện đang bị bệnh và điều trị tại bệnh viện huyện. 

Người trong dòng họ là người một nhà, đều là anh em; vì lẽ ấy, khi đoàn công tác vào thăm, anh Mào Văn Ơi vẫn gắng ngồi dậy bên giường bệnh để đón nhận tình cảm của anh em trong dòng họ. Cách đây 4 năm, khi mới được Đảng, Nhà nước khoan hồng tha tù trước thời hạn, trở về quê hương sinh sống, anh Ơi rất mặc cảm và xa cách với mọi người. Nhưng với sự quan tâm, động viên của anh em thân tộc trong dòng họ, anh dần vượt qua mặc cảm, nỗ lực khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, giúp vợ con phát triển kinh tế.

Công an Tủa Chùa tuyên truyền bà con chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Mùa A Tú vui mừng nói với chúng tôi, khởi đầu cho thành công ngày hôm nay là mô hình “Dòng họ bình yên” được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XX trên địa bàn huyện Tủa Chùa, xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về xoá bỏ cây thuốc phiện. 

Trong đó, các trưởng dòng họ, người có uy tín trong dòng họ, già làng trưởng bản đóng vai trò quan trọng. Họ là những người tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện xoá bỏ cây thuốc phiện, điển hình như dòng họ Giàng ở xã Xá Nhè; dòng họ Thào ở xã Sín Chải; dòng họ Vừ ở xã Trung Thu; dòng họ Sùng ở xã Lao Xả Phình… từ đó đã làm cho phong trào xoá bỏ cây thuốc phiện lan tỏa ra toàn huyện, nhân dân đã tự giác không trồng cây thuốc phiện nữa, thay vào đó diện tích trồng cây lương thực tăng lên góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xoá bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa. 

Thực hiện mô hình, mỗi dòng họ đều có những quy ước, hương ước riêng phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc, địa phương mình nhưng tất cả những quy ước, hương ước đó đều nhằm mục đích giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ, phát huy bản sắc văn hoá, xây dựng đời sống văn minh, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự và lao động sản xuất.

Tiêu biểu cho mô hình “Dòng họ bình yên” ở huyện Tủa Chùa là các dòng họ: Giàng, Sùng, Hạng, Thào, Mùa, Hờ, Vừ, Điêu, Lò, Mào... ở các xã Xính Phình, Tủa Thàng, Sín Chải, Mường Báng... 

Trong những năm qua, các dòng họ này đã vận động con cháu không di cư tự do, không tranh chấp đất đai, phá rừng làm nương rẫy, các cháu đến trường đầy đủ. Các trưởng dòng họ đã vận động, kêu gọi con cháu không tin theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó, các dòng họ đã giáo dục, thuyết phục được nhiều hộ của dòng họ mình ở lại bản làng, quyết tâm vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Trong công tác xoá đói giảm nghèo có sự góp công rất lớn của trưởng các dòng họ, như ông Mùa A Sinh, Giàng A Vàng, Vừ Chờ Di ở xã Sín Chải; ông Oàng Dùng Phu, Giàng A Dè xã Tả Sìn Thàng; ông Sình A Tâu, Giàng A Tùng xã Sính Phình; ông Tòng Văn Miên xã Mường Báng; Lò Văn Vận xã Tủa Thàng… 

Như mô hình chăn nuôi gia súc của trưởng dòng họ Vừ, Vừ A Cầu; mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình ông trưởng dòng họ Lờ, ông Lờ A Sử ở thôn Sín Sủ 2 - Xá Nhè; mô hình phát triển kinh tế gia đình của ông Sình A Tâu ở thôn Đề Hái, Sính Phình; mô hình chăn nuôi đàn dê ở xã Mường Báng; mô hình nuôi cá lồng của ông Quàng Văn Hơm thôn Tà Si Láng, xã Tủa Thàng; mô hình chăn nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà, mô hình phát triển cây chè cổ thụ ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải…

Theo đó, 10 năm qua, công tác phát triển kinh tế của các dòng họ trên địa bàn đã đạt được những kết quả cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn, mỗi năm trung bình giảm từ 4-5% tỷ lệ hộ nghèo.

Từ thành công trong mô hình điểm của dòng họ đầu tiên, huyện Tủa Chùa đã nhân rộng ra khắp các địa bàn. Qua mỗi năm thực hiện mô hình, mỗi dòng họ đều có những buổi tổng kết và rút kinh nghiệm cũng như đi thăm quan, học tập mô hình, kinh nghiệm hay của các dòng họ khác trên địa bàn. Hiện nay, trên toàn huyện đã có 122 dòng họ được thành lập và hoạt động trở thành dòng họ bình yên trên địa bàn, thực hiện tốt nếp sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ phát triển sản xuất theo đúng hương ước, quy định đặt ra. Các dòng họ đều nhận thức được việc cần thiết xoá bỏ các hủ tục như không để người chết lâu trong nhà, không mê tín dị đoan trong ma chay, cưới hỏi; cam kết không tái trồng cây thuốc phiện, không mua bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng trái phép chất ma tuý, bài trừ tệ nạn xã hội...

Đại tá Lò Văn Pọm - Trưởng Công an huyện Tủa Chùa: Tủa Chùa cách trung tâm tỉnh Điện Biên 126km, là địa bàn rộng, dân số đông, sinh sống rải rác ở 12 xã, thị trấn, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đây là những khó khăn, thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, để có được sự bình yên cho mỗi thôn bản, các mô hình “Dòng họ bình yên” đã phát huy được vai trò nòng cốt, các dòng họ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, mỗi năm người dân cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đặc biệt, đến nay, Công an huyện Tủa Chùa đã vận động được 95 trưởng dòng họ, người có uy tín và thành lập các đội tự quản an ninh trật tự tại cơ sở. Đây là những hạt nhân nòng cốt có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.


Lưu Hiệp- Hà Ly
.
.
.