Đề xuất tăng đến 550.000 đồng mức lương tối thiểu vùng năm 2016
Theo khảo sát tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương (thu nhập) trung bình của người lao động vào khoảng 3.817.000 đồng/tháng, trong đó: Vùng I là 4.369.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.860.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.811.000 đồng/tháng; Vùng IV: 3.225.000 đồng/tháng. Tiền lương trung bình tính theo loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp nhà nước: 4.180.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp cổ phần hoá: 4.300.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp FDI: 3.800.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp dân doanh khác: 3.646.000 đồng/tháng. Như vậy, nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Việc công nhân ngừng việc tập thể để phản đối quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng xuất phát từ vấn đề này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo giai đoạn 2015 – 2017, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm; tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3 - 3,5%/năm. Tuy nhiên, đời sống của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350.000 - 550.000 đồng. Cụ thể: mức lương tối thiểu vùng I năm 2016 là 3.650.000 đồng, tăng thêm 550.000 đồng; Vùng II là 3.200.000 đồng, tăng thêm 450.000 đồng; Vùng III là 2.800.000 đồng, tăng thêm 400.000 đồng và Vùng IV là 2.500.000 đồng, tăng thêm 350.000 đồng. Mức lương tối thiểu của các vùng năm 2017 sẽ tăng thêm từ 500.000 đến 650.000 đồng.